Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Các Doanh nghiệp công nghiệp Hà nội với mục tiêu nội địa hóa    6/1/2011 8:25:05 AM
Từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, ngành công nghiêp Hà Nội đã bắt đầu có các triển khai, thử nghiệm hướng tới mục tiêu nội địa hóa trong sản xuất. Đến nay, vấn đề này vẫn mang nhiều ý nghĩa, cần tiếp tục làm rõ hơn về lý luận và thực tiễn, nhất là khi nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với kinh tế khu vực.
Về khái niệm, dù được nhắc tới nhiều, nhưng cách hiểu và cách tính về tỷ lệ nội địa hóa đến nay vẫn chưa phải là đã thống nhất. Có một cách hiểu nghiêng về hiện vật. Theo đó, tỷ lệ nội địa hóa được tính theo tỷ lệ số lượng chi tiết linh kiện sản xuất trong nước trong tổng các chi tiết linh kiện cấu tạo nên sản phẩm. Ngoài ra, còn có một cách hiểu khác, đó là tính tỷ lệ nội địa hóa theo phần giá trị tạo được trong nước trên tổng thể giá trị sản phẩm. Mỗi cách tính trên đều có ưu và nhược điểm riêng và đưa ra kết quả con số tính toán nhiều khi rất  khác biệt.


Ban đầu, nội địa hóa hướng vào mục tiêu chính là khuyến khích sử dụng các linh kiện, chi tiết, phụ tùng trong nước sản xuất nhằm thay thế hàng nhập khẩu, tạo thêm công ăn việc làm, phát triển những ngành công nghiệp trong nước còn yếu. Đầu những năm 2000, mục tiêu nội địa hóa đã được đề ra cho nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là cho các sản phẩm ngành cơ khí, điện tử. Kèm theo đó, Chính Phủ đã có các ưu đãi về thuế tùy thuộc theo mức độ nội địa hóa của sản phẩm này. Sau một thời gian thực hiện, kết quả đã có một số ngành công nghiệp được coi là nội địa hóa khá thành công như công nghiệp xe máy, thiết bị điện,… Nhưng cũng có một số ngành không thành công như ngành công nghiệp ô tô, điện tử,… Sau này, khi đánh giá lại, bên cạnh những mặt được, Chính Phủ và Bộ Công nghiệp trước đây cũng thừa nhận là chính sách nội địa hóa còn một số sơ hở, tồn tại dẫn đến những diễn biến phức tạp. Từ thực tế trên, và nhất là trước yêu cầu cam kết AFTA với khối ASEAN, vào cuối năm 2006, Chính Phủ đã chính thức bãi bỏ chính sách ưu đãi thuế theo tỷ lệ nội địa hóa để thay thế bằng các chính sách khác.


Hiện nay, dù không ưu đãi trực tiếp bằng thuế theo tỷ lệ nội địa hóa, nhưng Chính phủ, Bộ Công thương cũng như UBND thành phố Hà Nội vẫn quan tâm, khuyến khích mục tiêu nội địa hóa trong định hướng phát triển của nhiều ngành công nghiệp. Ví dụ: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao năm 2010 của Chính Phủ đặt ra mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp công nghệ cao là 50% cho năm 2015; Quy hoạch ngành công nghiệp da giầy năm 2010 của Bộ Công thương đặt ra mục tiêu phấn đấu về tỷ lệ nội địa hóa 60-65% cho năm 2015; Quy hoạch ngành công nghiệp chế tạo thiết bị đồng bộ năm 2009 của Bộ Công thương đề ra mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa 80% cho dây chuyền thiết bị đồng bộ do trong nước chế tạo; Thành phố Hà nội đã đặt ra yêu cầu tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong Quyết định 75 /2009 về phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội; …. Chính vì vậy, vấn đề nội địa hóa cần tiếp tục làm rõ hơn để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả khi thực hiện.


Ở tầm vĩ mô, vấn đề nội địa hóa không còn mang ý nghĩa của một quốc gia, mà đã mang ý nghĩa quốc tế. Nội địa hóa không những liên quan đến chiến lược phát triển công nghiệp trong nước mà còn liên quan đến chiến lược phát triển của các tập đoàn công nghiệp FDI đa quốc gia khi đến đầu tư tại Việt Nam. Tại Hà nội, các tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật bản như Canon, Panasonic, Honda, Yamaha,… đang quan tâm đến nội địa hóa. Nhưng không vì thế mà họ sẽ chờ đợi. Nếu các Doanh nghiệp công nghiệp trong nước không vươn lên, nhanh chóng chớp lấy cơ hội này thì cơ hội đó sẽ chia xẻ cho các doanh nghiệp công nghiệp FDI đến từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc,… Khi hệ thống cung cấp cho các doanh nghiệp công nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội đã ổn định thì việc chen chân vào hệ thống này đối với các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó khăn.


Ở tầm vi mô cho từng doanh nghiệp cụ thể, vấn đề “nội địa hóa” cũng không phải là bài toán dễ giải. Lựa chọn giải pháp DN tự làm lấy hay mua ngoài luôn luôn là quyết định rất khó khăn. Trên thực tế, sự lựa chọn của các DN nhiều khi rất khác nhau. Ví dụ: Với hoạt động sản xuất lắp ráp xe máy, Cty xe máy T&T ban đầu đầu tư làm cả các chi tiết nhựa, khung xe, các công đoạn sơn, hàn,…, nhưng sau đó đã  điều chỉnh lại, chỉ tập trung vào khâu cốt lõi nhất là gia công chế tạo một số chi tiết động cơ và lắp ráp xe hoàn chỉnh. Các linh kiện chi tiết cần thiết khác để lắp ráp xe sẽ do các vệ tinh bên ngoài cung cấp. Ngược lại, với sản phẩm quạt dân dụng, Cty Quang điện điện tử lại lựa chọn giải pháp tự làm lấy hầu hết các chi tiết linh kiện cần thiết như: Chế tạo toàn bộ phần động cơ bao gồm cả phần kéo bọc dây emay, ép phun toàn bộ các chi tiết nhựa, chế tạo lồng quạt,.. Thậm chí ngay đến dây nguồn cho quạt, Cty cũng tự làm lấy nhằm mục đích đạt được sự kiểm soát cao nhất về chất lượng sản phẩm.


Mục tiêu nội địa hóa cần xác định phù hợp với đặc điểm từng sản phẩm, ngành nghề cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Nội địa hóa ở mức nào là tùy theo qui mô thị trường, tùy theo năng lực cụ thể của doanh nghiệp và luôn luôn phải cân nhắc đến hiệu quả. Đó là ý kiến chung của nhiều DN công nghiệp Hà Nội.


Ông Bùi Ngọc Huyên - Tổng Giám đốc Cty ô tô Xuân Kiên Vinaxuki cho rằng: Với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể và cần phải từng bước đột phá nội địa hóa vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao như thiết kế và chế tạo vỏ xe ô tô, thay vì chỉ bằng lòng với công đoạn hàn, sơn hay lắp ráp chỉ có giá trị gia tăng ở mức trung bình. Thông qua chuyển giao công nghệ với Nhật Bản, Vinaxuki đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo vỏ xe ô tô bằng hệ thống phần mềm thiết kế chuyên dụng, thiết bị máy quét  3D, công nghệ tạo mẫu khuôn, công nghệ đúc và gia công khuôn mẫu vỏ xe, công nghệ dập cắt vỏ xe bằng hệ thống thiết bị gia công hiện đại kết hợp với công nghệ tự động hóa bằng robots. Sản phẩm cuối cùng của chương trình nội địa hóa mà Cty hướng tới sẽ là dòng xe mang thương hiệu Việt. Sắp tới, Vinaxuki sẽ triển khai tiếp dự án chế tạo một số chi tiết của động cơ ô tô hướng tới xuất khẩu.


Đại diện một doanh nghiệp khác chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ cao thương hiệu Việt, ông Nguyễn Phước Hải - Tổng Giám đốc Cty máy tính CMS lại cho rằng: Nội địa hóa cho ngành công nghiệp máy tính không thể dựa quá nhiều vào phần cứng là chế tạo linh kiện vì rất kém hiệu quả. Nguyên nhân do đặc trưng của ngành máy tính là công nghệ phức tạp, vốn đầu tư lớn mà tốc độ thay đổi quá nhanh - nền tảng công nghệ mới mỗi 1 đến 2 năm, mẫu mã mới mỗi 6 tháng - nên về công nghệ mỗi hãng sừng sỏ thế giới cũng chỉ có thể tập trung đầu tư phát triển 1 - 2 loại chứ không ai đủ sức làm tất cả mọi linh kiện, còn các nhà sản xuất nếu không đạt qui mô vài triệu chiếc/ năm thì cầm chắc lỗ. Các DN Việt nam do vậy khó có thể thành công theo hướng này. Không ít DN lớn của Việt Nam trước đây đã thử sức trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy tính nhưng đều không đạt thành công nào đáng kể. Nếu chịu khó nghiên cứu kỹ về ngành sản xuất máy tính thì nhiều hãng máy tính Mỹ thương hiệu hàng đầu thế giới chỉ tập trung vào khâu nghiên cứu phát triển, thiết kế, phần mềm.., còn toàn bộ phần sản xuất linh kiện, thậm chí cả phần lắp ráp hoàn chỉnh được làm tại các nước khác. Theo ông Hải, phát triển công nghiệp máy tính Việt Nam, vì vậy không nhất thiết phải đồng hành với việc tăng tỷ lệ nội địa hóa phần cứng, thay vào đó, nên tập trung vào những công đoạn khác phù hợp với năng lực của mình như: Nghiên cứu phát triển, quản lý chất lượng, dịch vụ tư vấn và chăm sóc khách hàng,… Công ty máy tính CMS ngay từ đầu đã tập trung vào nhiều công đoạn kể trên: thiết lập những bộ phận chuyên nghiệp liên tục nghiên cứu cập nhật công nghệ phần cứng và phần mềm mới, quản lý chất lượng từ nguồn, không ngừng mở rộng hệ thống dịch vụ trên toàn quốc,… Dù không nắm khâu sản xuất linh kiện nhưng CMS đã hình thành được những giá trị gia tăng đáng kể và cho tới nay, sau nhiều năm mở cửa và hội nhập vẫn vững vàng cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài.

Nội địa hóa trong ngành công nghiệp Hà Nội không hề đơn giản bởi có vô số yếu tố động ảnh hưởng, chi phối đến nó. Tuy nhiên, nếu thành công, sẽ mang ý nghĩa hiệu quả rất lớn. Một mặt, nội địa hóa phát huy tính tự lập tự cường, chủ động sáng tạo của nguồn lực trong nước. Mặt khác, nó nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành công nghiệp, đưa nước ta thoát khỏi cái bẫy “thu nhập trung bình” khi hội nhập với kinh tế thế giới.


Nội địa hóa là mục tiêu và trách nhiệm chung của cả cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp. Để làm tốt phải thu thập và xử lý đúng một khối lượng thông tin lớn trên cả chiều rộng và chiều sâu. Phân tích tỷ mỷ các yếu tố thuận lợi và khó khăn, bên trong và bên ngoài, cơ hội và thách thức,… để định vị chính xác mục tiêu nội địa hóa cần đạt được. Và đương nhiên,  điều quyết định, quan trọng hơn cả là phải phối hợp, tập trung mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu trên với ý chí và quyết tâm cao nhất.

  
tác giả  

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội