Sáng 15/ 11, trong buổi gặp gỡ báo chí, Lãnh đạo BV Đa khoa Hà Nội khẳng định, toàn bộ quá trình điều trị cho bệnh nhân Trần Thị Tưởng (51 tuổi, Bắc Ninh) đều tuân thủ đúng quy trình.
Trước đó, ngày 30/10, bệnh nhân Trần Thị Tưởng (Châu Khê, Từ Sơn,
Bắc Ninh) đến bệnh viện Đa khoa Hà Nội cắt dây thanh quản và khỏe
mạnh trở về.
Ngày 8/11, bệnh nhân đến viện khám lại, thấy có nang nước nên
bác sĩ quyết định đưa vào phòng mổ. Bác sĩ Nguyễn Hoài An, người
phụ trách ca mổ cho biết, lúc banh miệng ra xịt thuốc mê (thuốc
Xylocain 10%)thì bệnh nhân ngừng thở.
Đến 15h30, tuy mạch và huyết áp, nhịp thở vẫn có nhưng bệnh
nhân vẫn phải thở hoàn toàn bằng máy. Khoảng 22h15, bệnh nhân được
chuyển sang Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán tim bệnh
nhân ngừng đập và chết lâm sàng.
Cũng trong sáng nay, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Chuyên môn,
BV Đa khoa Hà Nội cho biết, BV đã làm việc với gia đình bệnh
nhân. Phía gia đình bệnh nhân có đưa ra ba yêu cầu, đề nghị BV
làm rõ: Một là, lãnh đạo BV, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An phải
trả lời rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh của bệnh nhân
Tưởng như hiện nay bằng văn bản cụ thể và thời gian là bao
giờ?
Hai là, BV phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí
thuốc men của bệnh nhân Tưởng từ khi vào BV Đa khoa Hà Nội và
chi phí điều trị tại BV Việt Đức. Việc chi trả sẽ dựa trên
hoá đơn, chứng từ cụ thể do gia đình cung cấp cho BV.
Ba là, nếu trong trường hợp bệnh nhân bị tử vong, gia đình
sẽ làm đơn gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền của nhà
nước để tiến hành thanh tra, kiểm tra và kết luận. Lúc đó,
sẽ đối chiếu với văn bản trả lời từ phía BV và sẽ tuân theo
các kết luận của cơ quan chức năng.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn (áo blouse trắng) - Phó giám đốc BV Đa khoa Hà Nội trong buổi làm việc với báo chí sáng 15/11.
Bệnh viện đa khoa Hà Nội cho biết, sau sự việc, bệnh viện đã đồng
ý chi trả viện phí theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân.
BV Đa khoa Hà Nội cho rằng BS Hoài An và ê kíp hôm đó làm đúng quy
trình. “Vấn đề đúng hay sai, vì sao tai biến thì sẽ do cơ quan chuyên
môn đánh giá. Còn về quy trình thì chúng tôi làm đúng. Nếu bệnh nhân
tử vong, gia đình có thể đi khiếu nại với các cơ quan chức năng.
Cơ quan chức năng phán quyết như thế nào thì bệnh viện sẽ
chấp hành như thế. Cốt là giữ tình cảm với gia đình bệnh
nhân, giữa con người với con người. Không nên vì một tai nạn rủi
ro mà để chúng ta thôi không nhìn mặt nhau". Ông Sơn nói.
Lý giải việc người nhà bệnh nhân vây quanh bệnh viện, lãnh đạo bệnh
viện cho rằng, do BV chưa có kinh nghiệm, chưa tiếp xúc, trao đổi
ngay từ đầu nên người thân nhà bệnh nhân mới kéo lên đông như
thế.
Ngoài ra, bệnh viện khẳng định, lần trước mổ bệnh nhân cũng xịt
thuốc gây mê Xylocain 10% nhưng không sao. Do đó, để kết luận liệu
bệnh nhân có phải chết lâm sàng do xịt thuốc hay không vẫn phải
chờ cơ quan điều tra.
Hiện tại, bệnh viện đang phối hợp với Sở Y tế Hà Nội để
điều tra, làm rõ nguyên nhân tai biến. "Chúng tôi đã gửi báo
cáo sơ bộ cho thanh tra Sở Y tế, phòng an ninh y tế để điều tra
làm rõ sự việc.". PGS.Sơn nói.