Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Siêu võ sư Nguyễn Hữu Khai - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Y dược Bảo Long và bốn bà vợ của số p    5/31/2011 3:05:09 PM
Tất cả những người đã từng gặp Nguyễn Hữu Khai (Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long) đều phải thừa nhận đó là một cuộc đời của một con người kì lạ. Từ một anh sinh viên của trường đại học Kiến trúc, sau nhiều năm lăn lộn, “chiến đấu” với đời, với số phận, Nguyễn Hữu Khai giờ đã trở thành một lương y, thành Tổng Giám đốc một tập đoàn lớn.

Ảnh cưới Nguyễn Hữu Khai - Lê Thúy Hằng
Ảnh cưới Nguyễn Hữu Khai - Lê Thúy Hằng

Anh đã trải qua những cay đắng, thăng trầm mà tất cả mọi người đều cho rằng thế là quá nhiều cho một kiếp người. Anh đã từng bôn ba xứ người để học nghề thuốc, từng vào tù ra tội, từng nhiều lần phá sản, từng trải qua cơn bệnh thập tử nhất sinh, tưởng không qua khỏi, từng nhiều lần đổ vỡ hôn nhân đến tưởng như mất niềm tin. Tất cả những điều đó đã không thể ngăn Nguyễn Hữu Khai trở thành một người đàn ông thành đạt và viên mãn trong cuộc sống, Trong “cuộc chiến” với định mệnh, anh là người chiến thắng.

Tôi gặp Nguyễn Hữu Khai tại trụ sở của Tập đoàn Y dược Bảo Long, đóng ở xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội. Tòa nhà 10 tầng đứng hiên ngang giữa một vùng dân cư còn vắng vẻ đó là kết quả của gần 30 năm nằm gai nếm mật, kinh qua đủ cay đắng, mặn ngọt của cuộc đời. Thời điểm này có thể nói là giai đoạn thăng hoa nhất trong cuộc đời Nguyễn Hữu Khai: Hạnh phúc với người vợ trong cuộc hôn nhân thứ tư; Thương hiệu Bảo Long ngày càng khẳng định được uy tín và chất lượng ở cả thị trường trong và ngoài nước; Mở bệnh viện Đông y Bảo Long, đầu tư khu trồng dược liệu ở Sìn Hồ, Lai Châu… Nguyễn Hữu Khai đã khiến không ít người phải nghiêng mình kính phục, nhất là khi họ biết về những biến cố, thăng trầm của cuộc đời anh. Anh cho người ta cái cảm giác anh là người có năng lượng vô tận, chỉ biết tiến lên chứ không bao giờ dừng lại hay lùi bước, chỉ hướng tới thành công, tuyệt đối không chịu thất bại.

Từ sinh viên đại học đến nhà tù Hỏa Lò

Khi mấy chục tập của bộ phim “Đường đời” phát sóng trên VTV3, nhiều người đã phải ngỡ ngàng khi đạo diễn của bộ phim tiết lộ nhân vật chính của phim – lương y Hải chính là một nguyên mẫu được xây dựng từ cuộc đời thực của một nhận vật nổi tiếng trong cả giới kinh doanh, y học và võ thuật, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long – Nguyễn Hữu Khai. Nhà văn Hoàng Dự, người viết tiểu thuyết “Đường đời” đã nói: “Cuộc đời Nguyễn Hữu Khai là một cuộc đời đầy chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết và một bộ phim thành công”.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khớ ở Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), việc Nguyễn Hữu Khai có được sự thành đạt như ngày hôm nay, chính mẹ anh, bà Nguyễn Thị Lảng cũng không hề ngờ tới. Bà kể, sau khi xuất ngũ, anh trở thành sinh viên của trường Đại học Kiến trúc, theo ước nguyện của gia đình. Nhưng số phận đã không cho anh trở thành một kiến trúc sư như đã định mà chọn cho anh con đường để trở thành một lương y cứu người, với nhiều cay đắng, thăng trầm. Năm đó, khi đang học đại học dở dang thì cô em gái mà anh rất mực yêu thương bị mắc bệnh dẫn đến mắt bị kéo màng rồi gây ra mù lòa. Thương em, anh bỏ dở việc học hành. Lăn lội sang Trung Quốc tìm thầy giỏi để học nghề. Suốt mấy năm đó, bố mẹ anh, vợ anh đã khóc hết nước mắt khi không nhận được thông tin gì của anh. Có lúc cả gia đình tưởng anh đã bỏ xác xứ người mà làm giỗ cho anh.




Phải đến năm 1982, Nguyễn Hữu Khai mới trở về nhà, trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Mấy năm xa xứ, anh đã trải qua nhiều biến cố. Nhưng biến cố lớn nhất là sau khi chiến tranh biên giới xảy ra, trên đường trở về Việt Nam, Nguyễn Hữu Khai đã bị công an bắt vì tưởng anh cũng cùng đoàn với những người giả mạo giấy tờ để vượt biên trái phép. Đó là quãng đời đen tối nhất của Nguyễn Hữu Khai. Trong suốt từ năm 1979 đến 1982, anh đã bị giam khắp các nhà giam từ Lạng Sơn đến Hà Bắc rồi về Hỏa Lò. Bản tính hiền lành, chân chất, nên trong tù, dù có võ công, anh vẫn thường bị bạn tù bắt nạt, đánh đập, hành hạ. Sống giữa những tên tội phạm sừng sỏ, những tay anh chị giang hồ máu mặt, anh vẫn giữ được sự trong sạch của mình. Cuối cùng, anh được minh oan, được trở về quê hương trong niềm vui của cả gia đình.

Vinh quang dành cho người không bao giờ nản chí

Nguyễn Hữu Khai kể, trong suốt 2 năm tiếp theo anh đã chữa bệnh thành công cho cô em gái mù lòa. Nghe tiếng anh, người dân ở xung quanh vùng đổ xô đến chữa bệnh. Với nghề thuốc học được, anh tìm kiếm mày mò bào chế các vị thuốc từ thảo dược, chữa được nhiều bệnh, khiến uy tín ngày một tăng. Khi đó để tiết kiệm tối đa chi phí chữa bệnh, anh thường tự mình vào rừng hái lá thuốc. Nhưng có những vị thuốc không tìm được trong rừng, anh phải đến các quầy thuốc đông y mua chịu. Bệnh nhân tìm đến anh để chữa bệnh thì đông, nhưng phần lớn đều nghèo. Có những người thậm chí không có tiền để trả tiền thuốc. Anh kể: “Nhiều bệnh nhân đến nằm ở nhà tôi cả tháng, tôi nuôi cơm ăn, tôi chữa bệnh, nhưng đến lúc về họ bảo họ không có tiền, tôi cũng chỉ biết cười trừ, bảo họ đi. Mình nghèo, họ còn nghèo hơn. Mình hơn họ ở chỗ mình còn có nghề thuốc. Có lần có cô bé mang tiền đến chũa bệnh, nhưng sau một đêm ngủ dậy, số tiền để trong túi không cánh mà bay. Bệnh nhân người ra người vào liên tục, chẳng biết ai là thủ phạm. Thấy cô bé bệnh nhân cứ khóc lóc vật vã vì mất sạch toàn bộ số tiền đem theo, tôi chẳng đành lòng. Trong nhà lúc đó không có tiền, tôi lại chạy đi vay hang xóm, mang về cho cô bé đó, bảo là chú nhặt được, không biết của ai nên mang đi mua thuốc, giờ biết của cháu thì chú trả, Tiếng là chữa bệnh cho nhiều người nhưng tiền thu được thì chẳng mấy. Có bệnh nhân còn mang ngô, mang khoai, mang lúa đến nhà tôi gọi là trả tiền thuốc. Có những thời điểm tôi nợ nần chồng chất, các chủ hiệu thuốc đông y mà tôi mua chịu cứ đến đồi tiền liên tục. Cực chẳng đành, có chiếc giường cưới của hai vợ chồng, tôi cũng phải mang đi bán. Vợ tôi khi đó đã không ít lần nước mắt ngắn dài, trách tôi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.




Khi những khó khăn ban đầu đi qua, danh tiếng của thầy thuốc Khai được người dân khắp vùng truyền tai nhau thì cũng là lúc sóng gió ập đến. Một số người có chức quyền vì ghen ghét đã vu anh là “lang băm”, vin vào việc anh không có bằng cấp chứng chỉ mà hành nghề để triệt mất của anh con đường sống, khiến gia đình anh rơi vào nợ nần chồng chất. Lúc này, những bạn tù của anh thời còn ở Hỏa Lò, nghe tin đã mang quà cáp đến, rủ anh đi đào vàng. “Có lúc tưởng buông xuôi, bước theo con đường đó nhưng mẹ tôi là người sâu sắc nhạy cảm, bà đã lờ mờ đoán ra chuyện và giữ tôi ở lại. Nhờ mẹ mà tôi mới có ngày hôm nay”. Không nản chí trước thất bại, ban ngày anh đi chở đá thuê cho lò vôi, ban đêm lại tìm đọc sách đông y để nâng cao tay nghề.

Nguyễn Hữu Khai bảo cái số anh phải ly hương mới lập nghiệp được. Năm 1984, vì khó khăn quá, anh phải bỏ xứ theo đoàn kinh tế mới vào tận miền Tây Nam Bộ kiếm kế sinh nhai. Nhưng số phận đã định cho Nguyễn Hữu Khai phải gắn đời mình cho việc cứu người. Sau lần vào Sài Gòn chữa trọng bệnh cho cô em họ, Nguyễn Hữu Khai được nhiều người biết tới, tìm đến nhờ chữa bệnh. Anh lại tiếp tục bào chế các loại thuốc mới, được nhiều người ưa chuộng. Để có thể cạnh tranh được với các thương hiệu lớn, anh đã phải cùng với các nhân viên của mình đi biểu diễn võ thuật trên khắp các đường phồ, khắp các khu vực đông dân cư để quảng bá thương hiệu thuốc. Nhưng giữa đất Sài Gòn – Chợ Lớn nổi tiếng là nơi cạnh tranh của các nhà thuốc Đông y, công việc của Nguyễn Hữu Khai vô cùng khó khăn. Đã có lúc, anh bị nhóm đầu gấu do các chủ hiệu thuốc sai đi đánh vì giành mất thị phần của họ.

Nguyễn Hữu Khai kể rằng, ngay cả khi còn đang bấp bênh với nghiệp bào chế thuốc chữa bệnh, có một chủ hiệu thuốc đông y biết coi tướng số đã nói số anh thế nào cũng vinh hiển, nhưng trước đó sẽ cay đắng đủ điều, nhiều lần gia sản tiêu tán, bị người đời chơi xấu. Đến giờ phút này, nghiệm lại đời mình, anh thấy những điều đó không hề sai. Năm 1986, anh phối hợp với Hội chữ thập đỏ của quận 5 mở phòng mạch chẩn trị y học cổ truyền dân tộc. Uy tín của Nguyễn Hữu Khai trong giới y học cổ truyền ngày càng được nâng cao, anh được mời về giảng dạy tại trường Trung cấp y học dân tộc Tuệ Tĩnh – Bộ y tế. Công việc đang ổn định thì những biến động về kinh tế thị trường đã khiến toàn bộ cơ nghiệp anh gây dựng trong mấy năm trời rơi xuống sông xuống bể. Không nản lòng, anh lại tiếp tục tìm hướng đi mới. Có thời điểm sang Trung Quốc, sang Liên Xô tìm hướng mở rộng thị trường, hết sạch tiền, anh phải đi dạy võ để kiếm sống. Trời không phụ lòng người có công, anh lại dựng lên sự nghiệp. Nhưng hết lần này đến lần khác, cứ khi công việc bắt đầu thuận lợi, anh lại bị kẻ xấu ghen tức mà hãm hại, có những lúc tưởng chỉ còn hai bàn tay trắng. Nhưng cuối cùng, thương hiệu Bảo Long cũng ra đời. Từ một công ty TNHH Đông nam dược Bảo Long nhỏ bé ban đầu, nhờ sự kiên trì không mệt mỏi, Nguyễn Hữu Khai đã phát triển nó thành một tập đoàn Y dược Bảo Long lớn mạnh được cả trong và ngoài nước biết đến, với hơn 1000 nhân viên. Sản phẩm của Bảo Long giờ đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Anh cũng là một trong số ít các doanh nhân Việt Nam được tặng chân dung Bạch Thái Bưởi (biểu tượng của những doanh nhân thành đạt từ 2 bàn tay trắng). Không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh các loại thuốc đông y, Nguyễn Hữu Khai còn mở bệnh viện Đông y dược Bảo Long, chữa được nhiều bệnh mà Tây y không làm được.

4 người phụ nữ của số phận

Tài giỏi, nghị lực, lại có dáng dáp thanh lịch, tài hoa, Nguyễn Hữu Khai là người trong mộng của nhiều cô gái đẹp. Nhưng số phận dành cho người đàn ông này không ít đa đoan. Anh đã trải qua 3 lần hôn nhân tan vỡ, ly biệt vì nhiều lý do khác nhau. Người vợ thứ nhất của anh, người đã cùng anh chia ngọt sẻ bùi trong những năm tháng đầu cơ cực đã không thể cảm thông, chia sẻ và cùng anh đi trọng quãng đời còn lại. Vì sự tan vỡ này, anh đã phải chịu không ít tủi nhục khi bị bố mẹ từ mặt, dư luận bàn tán.

Vượt qua những vết thương đó, anh làm lại từ đầu với một cô gái người Hoa mà anh hết mực yêu thương, một cô gái đã đem lòng mến mộ anh, yêu thương anh từ lúc anh còn nghèo khó, cơ hàn. Anh kể: “Cô ấy là một người có dấu ấn vô cùng đặc biệt trong cuộc đời tôi. Là con gái của một chủ hiệu thuốc đông y nổi tiếng, sống trong nhung lụa, nhưng cô ấy lại chọn tôi, yêu tôi từ khi tôi chỉ có hai bàn tay trắng, bất chấp việc tôi đã có vợ và hai con. Chính cô ấy là người đã dành dụm từng chút tiền ăn sáng, rồi cho tôi vay để lập nghiệp. Cũng chính cô ấy đã hướng tôi việc mở rộng thị trường ra nước ngoài. Số tôi không tốt phước, nên sống với nhau chẳng được bao lâu thì cô ấy mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời ngay sau khi sinh cho tôi đứa con trai duy nhất”.

Sau khi người vợ thứ hai đã mất, anh phải sống cảnh gà trống nuôi con. Vì khó khăn vất vả lại thêm mất mát đau đớn, anh lâm trọng bệnh tưởng không qua k hỏi, phải cắn răng đưa đứa con còn đỏ hỏn vào cô nhi viện. Một cô học trò cũ của anh, vì lòng mến mộ, đã đưa con anh về nuôi và tìm mọi cách cứu chữa cho anh qua cơn hiểm nghèo. Anh bước vào cuộc hôn nhân thứ 3 với người phụ nữ ấy vì nghĩa nhiều hơn vì tình. Nhưng đây cũng chính là cuộc hôn nhân cay đắng và đau đớn nhất của anh. Sau những khó khăn, khi công việc kinh doanh bắt đầu thuận lợi, Nguyễn Hữu Khai đã mở rộng sản xuất ra khu vực phía Bắc và giao cho vợ quản lý. “Tin tưởng cô ấy thật lòng thương tôi nên tôi không ngại truyền nghề và chỉ bảo cô ấy tận tâm. Chi nhánh phía Bắc của tôi cũng giao cho cô ấy quản lý. Nhưng lòng tham làm cô ấy thay đổi. Cô ấy tách ra khỏi Bảo Long và tìm mọi cách phá hoại việc kinh doanh của tôi. Hôn nhân của tôi thêm một lần tan vỡ, với một vết thương lòng tưởng chẳng bao giờ hàn gắn được”.

Sau những long đong, lận đận của tình duyên, giờ đây Nguyễn Hữu Khai đã tìm thấy bến đỗ bình yên của đời mình, bên người vợ xinh đẹp kém anh gần 20 tuổi. Lê Thúy Hằng, vợ anh là một cô gái xinh đẹp người Hà Tây, kế toán trong công ty do anh làm giám đốc.  Mến phục tài năng, nghị lực và tấm long của anh, cô đã đem long yêu thương anh bất chấp sự cấm cản của gia đình, sự phá hoại của người vợ cũ luôn ghen tức và tìm cách vùi dập anh. Tình yêu của cô gái trẻ đã khiến anh trở nên bớt khô khan và có them nhiều niềm tin vào cuộc đời. Sau hơn 10 năm chung sống, có con cái với nhau vẫn không hề thay đổi. Chị trở thành cánh tay đắc lực của anh trênt thương trường, giúp anh thành công trong những lĩnh vực kinh doanh mới. ANh cũng truyền dạy cho vợ mọi kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình, giúp chị từ một cô nhân viên kế toán năm nào trở thành một nữ doanh nhân thong minh, sắc sảo, thành đạt, được nhận giải thưởng dành cho các nữ doanh nhân tiêu biểu. Giờ đây ở tuổi ngoài năm mươi, người ta vẫn thấy Nguyễn Hữu Khai rất lãng mạn, sôi nổi, thích làm thơ, viết văn. Hạnh phúc cuối cùng mỉn cười với người đàn ông đa tài nhưng đa đoan, với vợ đẹp, con ngoan và một sự nghiệp thành đạt. Nguyễn Hữu Khai bảo sau những sóng gió, thăng trầm của số phận, hậu vận của anh đã được đền đáp bằng một người phụ nữ tri âm, tri kỷ và vô cùng tuyệt vời.

Người sáng lập môn phái “Bảo Long y võ”




Trong những năm lang bạt xứ người theo học nghề thuốc, Nguyễn Hữu Khai còn được người thầy Trung Quốc yêu mến, tin tưởng truyền dạy lại những ngón võ gia truyền. Anh tâm sự, võ thuật đã rèn cho anh sức khỏe để chịu đựng vất vả, cho anh nghị lực để vượt qua những năm tháng gian khó, tuyệt vọng. Thời gian còn ở trong nhà tù Hỏa Lò, tuy không bao giờ “giễu võ giương oai”, nhưng chính những võ công học được đã giúp anh tự bảo vệ chính mình trước nhiều dân anh chị có số má trong tù. Những ngày tháng lăn lộn mưu sinh, xây dựng thương hiệu Bảo Long ở đất Sài Gòn, anh tổ chức những đám mãi võ biểu diễn khắp các hang cùng ngõ hẻm để gây thu hút sự chú ý của mọi người, quảng bá cho thương hiệu thuốc đông dược của Bảo Long. Anh tâm sự: “Võ học và y dược là hai lĩnh vực không liên quan gì đến nhau, một là lao động trí tuệ, một cái là cơ bắp. Nhưng võ thuật giúp tôi giải tỏa căng thẳng, lấy lại căn bằng cho cuộc sống”.

Với niềm đam mê với võ thuật, ngay từ khi còn trẻ, Nguyễn Hữu Khai đã mở những lớp dạy võ để rèn luyện thân thể, dần dần sáng lập ra môn phái “Bảo Long y võ”. THấy cảnh nền võ thuật cổ truyền của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Khát khao với việc nâng tầm của võ đường lên thành một mô hình giáo dục đồng đều về thể chất và văn hóa, nên sau nhiều lần lặn lội sang Học viện Tiểu Long Thiếu Lâm Tự để học hỏi kinh nghiệm, năm 2007, Nguyễn Hữu Khai đã xây dựng trường PTTH võ thuật Bảo Long, trường võ thuật chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, tuyển sinh trong cả nước, được báo chí gọi là “Thiếu Lâm Tự xứ Đoài”.

Một trong năm lời thề của võ sinh “Bảo Long y võ” là “không lạm dụng võ công để làm điều bất chính và hại người vô tội. Bênh vực lẽ phải, giúp đỡ người yếu đuối thế cô”.

Mỗi học sinh vào học tại ngôi trường này đều phải thuộc lòng và luôn tâm niệm lời thề đó. Nguyễn Hữu Khai luôn tâm niệm học võ thuật nhưng không được bỏ bê văn hóa,  nên  ngoài đầu tư cơ sở vật chất cho việc dạy võ, đội ngũ giáo viên dạy văn hóa của trường cũng được chọn một cách kĩ lưỡng. Vào trường võ thuật Bảo Long, sẽ rất dễ để đọc được những câu nhắc nhở về đạo đức của người học võ: “Tận cùng của Võ là Văn. Tận cùng của miếng cơm manh áo là Nghĩa khí, là cái cao cả của tình người. Võ thuật là sức mạnh vô song, là nghị lực kiên cường, là ý chí sắt đá, là tinh thần cao thượng”.  Đọc những câu này, người ta dễ dàng nhận ra đó cũng chính là cuộc đời, là nguyên tắc sống của Trưởng môn phái “Bảo Long y võ”. Nguyễn Hữu Khai.

Một trong những điều khiến người ta ca ngợi Nguyễn Hữu Khai không phải chỉ bởi anh là một con người với nhiều “kì tích” trong cuộc sống mà còn bởi tấm lòng nhân hậu, luôn tâm niệm cứu đời, cứu người. Khi Tập đoàn Y dược Bảo Long lớn mạnh, mỗi  lần về quê, gặp con em các gia đình chưa xin được việc hay chưa học hành ở đâu, anh lại bỏ công sức, tiền của đào tạo rồi cho về làm nhân viên của Bảo Long. Ở đây, tất cả nhân viên đều yêu mến anh. Họ không nói “Chào Tổng giám đốc” mà nói “chào thầy” một cách đầy trìu mến. May mắn có được thành công, sự giàu có, nhưng anh không quên chia sẻ sự may mắn đó cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Có lần nghe tin tức thời sự trên VTV nói về trường hợp hai cháu bé ở xã Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ rơi vào cảnh không nơi nương tựa do bố mẹ không may bị ung thư qua đời, anh đã lặn lội lên tận Phú Thọ, đưa hai cháu về Bảo Long và nói với toàn thể nhân viên: “Hai đứa trẻ này là những đứa con mới của gia đình Bảo Long”. Không chỉ nuôi dưỡng, giúp các cháu học hành, lo công ăn việc làm, Nguyễn Hữu Khai còn giúp các cháu lập bàn thờ bố mẹ. Nhiều người dân ở xã Thạch Sơn lúc đầu không tin vào lòng tốt của Nguyễn Hữu Khai đã rủ nhau xuống tận Tập đoàn Bảo Long “để xem thực hư ra sao” và rồi phải rơi nước mắt cảm động trước tấm lòng của vị lương y tài đức Nguyễn Hữu Khai.

Mấy năm trước, tình cờ xem trên ti vi kể về câu chuyện tình cảm động của một cô gái mắc bệnh hiểm nghèo ở Nghệ An, Nguyễn Hữu Khai đã lặn lội vào đó để tìm cách giúp đỡ cô gái nghèo bất hạnh đó. Anh đã làm nên kì tích, khi làm được những việc tưởng như không thể: “Phương quê ở tận Tân Kỳ, Nghệ An, bị mắc bệnh u tủy cột sống, liệt từ ngực trở xuống. Thế nhưng có một anh chàng tên Trương Văn Chín quê ở Tiền Giang, tình cờ gặp và yêu Phương đã khiến tôi cảm động vô cùng. Lúc mà Phương đang nằm một chỗ chờ chết, tôi đã cho xe cứu thương vào Nghệ An đưa Phương ra Bảo Long chữa bệnh. Kỳ tích đã xảy ra nhờ tấm lòng của người thầy thuốc nhân hậu. Sự chữa trị tận tình của Nguyễn Hữu Khai đã khiến Phương không những thoát khỏi lưỡi hái tử thần mà dần lấy lại được cảm giác cho cơ thể. Sức khỏe của Phương sau đó đã hồi phục, cô đã tổ chức đám cưới với Trương Văn Chín tại chính hội trường của Tập đoàn y dược Bảo Long, nơi họ đã coi như mái nhà thứ hai của mình”.

“Nợ đời trả mãi chẳng xong/ Leo bao nhiêu núi vẫn mong cứu người” – có một người bạn đã tặng Nguyễn Hữu Khai câu nói đó, để nói về cuộc đời đầy song gió nhưng cũng vô cùng nhiều kì tích của anh. Tiền vận khổ cực, hậu vận giàu sang, thành đạt. Tất cả những điều đó đều đúng như lời người thầy Trung Quốc đã nói khi xem tướng mạo của anh. Nhưng dù có hiển vinh, anh vẫn đầy ắp những suy tư, trăn trở với việc cứu người, giúp đời, giúp những nụ cười trên môi những bệnh nhân của mình tươi hơn mỗi ngày.

  
tác giả Theo Pháp luật&Cuộc sống 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội