Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Lương y Nguyễn Hữu Khai - Từ tiểu thuyết đến đời thật    6/14/2011 3:20:03 PM
Giữa vùng quê xứ Đoài – Hà Nội, nơi địa linh nhân kiệt ngời sáng một tấm gương về lòng nhân đức, từ bi bác ái của người thầy thuốc ưu tú để rồi từ đó nhiều số phận éo le, khổ đau, bất hạnh được ông cưu mang, cứu giúp như được tái sinh và những câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại được hình thành.
Chủ tịch Quốc hội Lào và Lương y, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai
trồng cây đa lưu niệm tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Long
 
Nhắc đến Nguyễn Hữu Khai hầu như ai cũng biết đó nguyên mẫu nhân vật Hải trong phim truyền hình “Đường đời” và là Tổng giám đốc của một tập đoàn nổi tiếng về y dược, về võ thuật, về du lịch điều dưỡng với một cơ ngơi bề thế, một điểm đến ấn tượng của các tour du lịch cho lữ khách trong nước và nước ngoài. Nguyễn Hữu Khai là một mẫu người đa tài nhưng điểm nhấn ấn tượng là cái tài được cần mẫn học tập, rèn luyện, được tích luỹ từ ý chí, nghị lực phi thường và đặc biệt là cách sử dụng tài năng mang đậm bản sắc đạo lý của người Việt để phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả.

Nguyễn Hữu Khai đã chọn cho mình hướng đi và mục tiêu duy nhất là kế thừa, phát huy và bảo tồn nền y học cổ truyền dân tộc. Hơn nửa cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp y học, phần lớn thời gian của ông dành cho việc tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm, khám chữa và sống cùng bệnh nhân. Trở thành một thầy thuốc đã khó, nhưng là một thầy thuốc nhân từ, chân chính còn khó hơn nhiều.


Với những kinh nghiệm quí báu tích luỹ được từ những tháng ngày bôn ba tầm sư học đạo ở xứ người, từ những trải nghiệm sâu sắc trong nghề thầy thuốc của mình ông đã chữa khỏi bệnh cho hàng vạn người, và trong số đó có không ít những mảnh đời bất hạnh, éo le tới ngưỡng cùng cực được ông cưu mang giúp đỡ...


Trường hợp chị Đoàn Thị Thanh Huyền trước ngày sinh con bị xét nghiệm nhầm HIV, gia đình nhà chồng và người thân xa lánh, ruồng bỏ. Đối với một người phụ nữ còn gì đau đớn hơn khi bị chính những người thân yêu của mình xua đuổi, đứa con do mình vừa rứt ruột đẻ ra bị người ta cấm không cho gần gũi, con đói mà  mẹ không được cho bú. Đứa bé héo hon qua đời...! Khi  ấy chị mới có cơ hội hàng đêm lẻn về làng vắt sữa lên nấm mộ cho con...!!!  Đã có lúc chị muốn tìm đến cái chết để giải thoát cuộc đời, nhưng sự có mặt kịp thời của Lương y Nguyễn Hữu Khai đã thức tỉnh lý trí và khơi dậy lòng tin với cuộc đời của chị. Ông đã  đón chị về làm việc tại Tập đoàn Y dược Bảo Long, tạo điều kiện cho chị học tập nâng cao trình  độ và có công việc ổn định.


Rồi trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Phương ở Tân Kỳ - Nghệ An bị u tuỷ, liệt tứ chi. Trong nỗi tuyệt vọng cô vẫn níu theo tháng ngày bởi sự thương cảm, tận tình chăm sóc của người yêu suốt gần 4 năm trời. Nguyễn Hữu Khai đưa Phương về Bệnh viện Bảo Long chữa trị, không quên nhận luôn người yêu là Trương Văn Chín và em trai Phương về Tập đoàn Bảo Long làm việc. Nguyễn Hữu Khai lại là “ông tơ bà nguyệt” tác thành cho đôi uyên ương Trương Văn Chín và Nguyễn Thị Phương. Ngày 13 tháng 6 năm 2008, cháu bé nặng 2,1 kg ra đời một cách dễ dàng không cần phải can thiệp bằng bất kỳ biện pháp gì. Phương vui mừng điện thoại ngay cho Thầy Khai: “...Thầy ơi! Con sinh được rồi! Cháu khoẻ và đẹp trai lắm! Thầy đặt tên cháu giúp con nhé!”.


Vận động viên đô vật Lê Thị Huệ trong thời gian luyện tập chuẩn bị cho Seagame 23 bị gãy đốt sống cổ liệt tứ chi. Nguyễn Hữu Khai đã không tiếc công sức, tiền của, tận tuỵ ngày đêm, trăn trở, vất vả, khổ cực để cuối cùng tìm ra được phương pháp phục hồi cho Huệ. Nay sức khỏe  của cô đã ổn định và làm  nhân viên của Tập đoàn Y dược Bảo Long.


Bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng hiện là cán bộ kế toán của Tập đoàn Y dược Bảo Long bị u tủy qua nhiều năm chạy chữa khắp nơi khi gặp Thầy Khai thì bệnh đã ở tình trạng nặng nhất và kinh tế gia đình thì lâm vào hoàn cảnh suy kiệt nhất! Bố mẹ cô đã đau xót nghĩ tới việc chấp nhận sự định đoạt  số phận của con mình...! Thấy được điều đó, Thầy Khai đã nhận chữa bệnh miễn phí và khi Hồng không còn đau đớn, có thể làm việc được ông đã tiếp nhận Hồng vào làm nhân viên kế toán,để tâm lý bệnh tật được giải thoát và vừa làm việc, vừa chữa bệnh.


GSTS Trần Thế Lục sinh năm 1940, là giảng viên Khoa Chế tạo máy  Trường đại học Bách Khoa - Hà Nội,  sau khi được Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai cùng các thầy thuốc Bệnh viện Bảo Long cứu chữa thoát khỏi căn bệnh nan y đã vui mừng thay lời cảm tạ bằng một lá thư thân tình. “...Tôi bị cơn đau bệnh nan y, đã mấy năm liền qua điều trị tại nhiều bệnh viện. Tôi được Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai chẩn trị và châm cứu kịp thời, cơn đau giảm hẳn. Tôi quyết định nhập viện Bảo Long. Sau một tuần vừa châm cứu vừa uống thuốc Đông dược, bệnh tình tôi thuyên giảm rõ rệt cả về số lần cả về cường độ đau. Cho đến ngày thứ 6, bệnh tình dứt hẳn, đến nay không có một cơn đau nào xảy ra”.


Bệnh nhân Nguyễn Công Hoàng ở 2363 Đại lộ Hùng Vương, Việt Trì, Phú Thọ bị tai nạn gẫy đốt sống cổ, liệt tứ chi tâm sự:  “...Hình như cứ thấy ai có hoàn cảnh khó khăn Thầy Khai đều thấy mình có trách nhiệm và dang rộng vòng tay nhân ái ra để đùm bọc chở che. Có nơi nào, có vị Tổng giám đốc nào làm được những điều như vậy?”. 


Vâng! Nguyễn Hữu Khai là thế đấy. Ông có nhiều lắm những đứa con nuôi (nuôi dưỡng thực sự), họ xuất thân từ những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh không nơi nương tựa. Họ là những bệnh nhân không còn hy vọng sống mà nay họ vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc quây quần bên người cha thương yêu đáng kính của mình. Tại Thạch Sơn – Lâm Thao – Phú Thọ hồi ấy nổi cộm bởi quá nhiều người qua đời vì ung thư. Nguyễn Hữu Khai đã có mặt, ông chăm lo chữa trị giúp đỡ bệnh nhân và tại đây ông đã đón nhận hai chị em cháu Đặng Thị Thơm và Đặng Kim Cương về làm con nuôi bởi bố mẹ các cháu bị ung thư đã qua đời, anh em nội ngoại chỉ còn bà bác ruột thì đau ốm, già yếu. Đến nay hai cháu đều trở thành thầy thuốc làm việc tại Bệnh viện đa khoa Bảo Long và ngày 28 tháng 9 năm 2010 gia đình ông cùng Tập đoàn Bảo Long đã long trọng tổ chức lễ Vu qui cho cô chị là Đặng Thị Thơm.


 Khi chất vấn về những việc làm nhân từ, ông chỉ cười mà rằng: “Cứu người để trả nợ đời, mà mình thì nợ cuộc đời này nhiều quá...! ” và ông vẫn tâm sự rằng: “Ban ơn mà nghĩ đến việc đền đáp thì không còn là ân huê...”


Nguyễn Hữu Khai - Hải trong “Đường đời” đã trở thành hình mẫu để bậc ông bà, cha mẹ khuyên dạy con cháu, là tiêu chí và ước mơ phấn đấu của nhiều bạn trẻ.


Là người mạnh mẽ, quyết đoán trong công việc, ý chí, nghị lực kiên cường nhưng ông cũng là người đa sầu, đa cảm, vị tha và từ bi bác ái. Có những kẻ cơ hội, mù quáng vì tiền, lừa lọc vợ con và thân nhân của ông hàng trăm triệu đồng. Rồi có những kẻ rắp tâm cản phá sự nghiệp. Các đàn em của ông bức xúc xin cho phép được “xử lý”. Nhưng giải pháp ông vẫn dùng là bằng lý trí để giúp họ phục thiện. Quả như ông vẫn thường nói: “tận cùng của võ là văn”.


Trầm luân, khổ ải, oan trái, tủi hận nhiều nhưng Nguyễn Hữu Khai không mất niềm tin vào cuộc sống, ngược lại càng khó khăn gian khổ bao nhiêu ông càng cố gắng hoàn thiện và sống tốt bấy nhiêu. Trong lời giới thiệu truyện thơ “Tình quê” của Nguyễn Hữu Khai, nhà thơ Vũ Duy Thông viết: “...Điều khiến tôi ngạc nhiên là sức mạnh nào đã khiến một con người từng bị đầy ải giữa đám người thú, bị trà đạp giữa bao bất công nhan nhản trong hầm giam, giữa rừng sâu, bến xe, quán chợ, gầm cầu mà vẫn gìn giữ được tình yêu trong sáng đến thế, vững chắc đến thế với cuộc sống, con người, đất nước...”.

 

Nguyễn Hữu Khai luôn sẵn sàng giúp người, cứu người bằng công việc, bằng trí tuệ và bằng cả những giọt máu của mình... Hàng năm ông đều tổ chức cho cán bộ công nhân viên và sinh viên của Tập đoàn Y dược Bảo Long hiến máu nhân đạo. Bản thân ông đã hơn 20 lần hiến máu cứu người, ông còn cấp 4 vạn thẻ ưu tiên khám bệnh miễn phí và cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân diện chính sách ưu tiên. Quả như lời bình của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam về tập thơ “Lửa tình “ của Nguyễn Hữu Khai: “...Cứu người không chỉ bằng thuốc, bằng võ nghệ mà bằng cả tấm lòng nhân ái và văn chương”.


Trăn trở với nguồn dược liệu phải lệ thuộc vào nước ngoài, vừa đắt, vừa kém chất lượng, vừa mất chủ động, ông đã cất công lên tận Sìn Hồ - Lai Châu khai phá vùng trồng dược liệu, nơi mà xưa kia chuyên trồng thuốc phiện.


Ông Phùng Cù Sân – Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu trong lễ khai trương Công ty Dược liệu Sìn Hồ nói: “...Chúng tôi trân trọng tấm lòng cao cả, nhiệt tình của ông Nguyễn Hữu Khai đã băng rừng vượt suối đến với Sìn Hồ chấp nhận biết bao thử thách, khó khăn khắc nghiệt và dũng cảm xây dựng cơ sở dược liệu và giúp đỡ bà con  thiểu số xây dựng cuộc sống ấm no văn minh tại vùng xa xôi hẻo lánh, chưa có đường, chưa có điện, chưa có nhà ơ...”


Lo xa cho những đại sự nhưng Nguyễn Hữu Khai cũng là người quan tâm sâu sát, chăm lo chu đáo đến từng miếng cơm, manh áo và tâm tư tình cảm của nhân viên cũng như bạn bè. Lời giáo huấn đầu tiên của ông với học trò và nhân viên là: “...Chịu thiệt một tý để bạn mình vui! ”.Cưu mang và giúp đỡ nhiều người, nhưng bản thân mình lại chính là điển hình của một cuộc đời đau khổ, đói rét,  và một quá khứ bất hạnh...! Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Khai vẫn thản nhiên vui vẻ phấn đấu vươn lên trở thành thầy thuốc ưu tú trong công chúng là một đại thụ trong làng y dược cổ truyền. Là người có lý tưởng, hoài bão và khát vọng mãnh liệt, luôn đột phá, luôn đi đầu trong các phong trào và luôn ứng xử rộng rãi, hào phóng nhưng thực sự Nguyễn Hữu Khai chưa phải là người giàu có. Ông sinh hoạt đạm bạc. Đã từng xây biết bao nhiêu công trình, nhà cửa từ thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội, Lai Châu... để làm cơ sở kinh doanh sản xuất, làm khu tập thể cho cán bộ công nhân viên và học sinh nhưng gia đình ông vẫn ở khu tập thể như những gia đình cán bộ công nhân viên khác. Ông vẫn chưa nghĩ đến việc xây dựng nhà ở riêng cho gia đình và cũng chẳng muốn có một ô tô sang trọng. Xe của Tổng giám đốc Bảo Long cán bộ nào cũng có thể dùng khi có việc cần. Nguyễn Hữu Khai như một con suối nhỏ lận đận qua từng kẽ đá vạt rừng để đem lòng mình sẻ chia, tưới mát, chăm lo bảo vệ sự sống cho muôn vàn thảo mộc mà với mình thì chỉ những “trong veo”.


Tôi dừng bút trong sự tiếc nuối, bởi dữ liệu vẫn còn choáng ngập, bởi lòng mình vẫn còn xốn xang mà không đủ năng lực để biểu đạt. Những mong “Đường đời” phần hai, phần ba được ra mắt bạn đọc, bạn xem truyền hình để đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng.
  
tác giả (theo Daidoanket.vn) 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội