Rolls-Royce: Quý tộc xứ sở sương mù
Hơn 100 năm tồn tại với không ít thăng trầm nhưng chưa bao giờ chiếc xe mang biểu tượng Spirit of Ecstasy thôi khơi dậy niềm đam mê.
Dường như không có gì diễn tả sự trang nghiêm, sang trọng và thoải mái hơn một chiếc Rolls-Royce. Trong nhiều thập kỷ, hãng xe sang Anh quốc có trụ sở tại Goodwood đã thiết lập thành công những quy chuẩn hàng đầu làm đích đến buộc nhiều nhà sản xuất xe hạng sang khác phải nỗ lực vươn tới. Những siêu phẩm tuyệt đẹp ra mắt gần đây càng đảm bảo vị thế hàng đầu của Rolls-Royce.
Khởi phát sau cái bắt tay giữa nhà sáng lập Charles Stewart Rolls và Frederick Henry Royce, “quý tộc Anh” chính thức được thành lập năm 1906. Chiếc xe được vinh danh “tốt nhất thế giới” Silver Ghost động cơ 6 xylanh chất lượng vượt trội kèm theo những chi tiết thiết kế chăm chút tỉ mỉ cũng ra mắt trong cùng năm.
Vào những năm 20, hãng sản xuất xe sang Anh quốc có thêm nhà máy thứ 2 tại Springfield, Massachusetts để tăng lượng sản phẩm theo kịp nhu cầu thị trường. Thời gian này cũng chứng kiến sự xuất hiện của chiếc Phantom I với kiểu động cơ hoàn toàn mới van đặt trên và các đầu xylanh tháo ra được - công nghệ đỉnh cao thời bấy giờ.
Rolls-Royce phát triển nhanh chóng và thực hiện cuộc bành trướng của mình trong ngành công nghiệp ôtô, thể hiện tiêu biểu qua việc mua lại Bentley vào năm 1931. Nhiều thập kỷ sau khi thôn tính, những chiếc Bentley và Rolls vẫn gắn chặt cùng nhau với rất nhiều điểm tương đồng.
Những năm 40 tiếp tục chứng kiến sự đi lên của Rolls-Royce. Hãng xe sang Anh quốc mở cửa nhà máy Crewe và cho ra đời sản phẩm “Rolls” đầu tiên thời hậu chiến có tên Silver Wraith - chiếc xe đóng góp đáng kể vào sự nổi tiếng của Rolls-Royce nhờ tư cách là sản phẩm cuối cùng có phần thân vỏ chế tạo thủ công bởi những thợ đóng xe ngựa lành nghề.
Rolls-Royce vén màn chiếc Phantom IV năm 1950. Trang bị động cơ “khủng” 8 xylanh và trở nên hết sức quý hiếm khi chỉ có 18 chiếc được chế tạo, Phantom IV hoàn toàn xứng đáng đón nhận ánh mắt ngưỡng mộ với lớp khách hàng đều thuộc dòng dõi Hoàng gia hoặc đại quý tộc Anh. Thập niên 50 còn chứng kiến sự xuất hiện lần đầu của những “vị vua” như Silver Cloud I, Silver Cloud II và sau đó là thế hệ vàng son những năm 60 bao gồm Silver Cloud III, Silver Shadow, Phantom VI.
Tuy vậy, không phải lúc nào sự phát triển của “quý tộc Anh” cũng thuận buồm xuôi gió. Thời gian đầu thập niên 70 trở thành cơn ác mộng dành cho nhà sản xuất xe hạng sang. Khó khăn nghiêm trọng về tài chính đã đẩy Rolls-Royce đến bờ vực phá sản và kết cục cuối cùng là Chính phủ Anh buộc phải quốc hữu hóa công ty.
Năm 1980, Rolls-Royce được Vickers PLC mua lại. Chiếc Silver Spirit xuất xưởng sau đó 1 năm trở thành sản phẩm ghi dấu sự ra đời của thế hệ “Rolls” mới. Silver Spirit được thiết kế để đáp ứng quy định nghiêm ngặt về an toàn và kiểm soát khí thải quốc tế. Kiểu dáng xe cũng nhằm hướng tới thế hệ người mua mới, trẻ trung hơn.
Thập niên 90 lại chứng kiến thêm lần sang trang khác của “Rolls” khi Vickers quyết định bán nhãn hiệu nổi tiếng thuộc sở hữu. BMW dường như đã trở thành chủ nhân tiếp theo, tuy nhiên, trong hành động gây nhiều ngạc nhiên, Volkswagen đã đánh bại BMW bằng cách đưa ra mức giá cao hơn. Hai nhà sản xuất ôtô Đức sau đó có sự hòa giải với kết quả là VW nhượng lại thương hiệu Rolls-Royce và giữ cho mình Bentley cũng như nhà máy Crewe còn BMW đổ 100 triệu USD đầu tư vào Goodwood trong nỗ lực thay đổi diện mạo hãng xe Anh.
Với sự chèo lái của BMW, Rolls-Royce đã quay trở lại đấu trường quốc tế và không ai có thể nghi ngờ khả năng phát triển của “quý tộc Anh” ở tương lai.
Rolls-Royce Silver Ghost
Rolls-Royce Silver Cloud II
Rolls-Royce Silver Wraith
Rolls-Royce Silver Spirit
Một số hình ảnh Rolls-Royce thế hệ hiện tại: