Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Bác Hồ với Du lịch    6/8/2011 8:08:38 AM
Với niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn, năm nay chúng ta long trọng kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh của Bác Hồ, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Cũng trong năm nay, ngành Du lịch phấn khởi kỷ niệm 50 năm thành lập ngành.

.

Đầu thế kỷ 20, trong đêm đen nô lệ, với lòng yêu nước, thương dân nồng nàn và sâu nặng, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa hoạt động cách mạng vừa lịch du, Bác đã là một nhà du lịch thực thụ. Bác Hồ là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "lịch du" và đưa thuật ngữ này vào văn bản quốc tế. Bác cũng là người định nghĩa một cách rõ ràng, cụ thể về du lịch. Đó là vào năm 1919, trong bản yêu sách 8 điểm giữa hội nghị Vesay, Bác đã yêu cầu cho dân xứ Đông Dương được hoạt động du lịch.

        Trong bài vè tiếng Việt, Bác đặt du lịch vào yêu sách thứ 6:

        “Sáu xin được phép lịch du

        Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình.”

        Vậy là muốn có du lịch phải có “sức”, phải có “tình”

        “Sức” bao gồm cả vật chất và tinh thần, “Tình” hàm chứa sự cởi mở và thân thiện.

        Năm 1961, một năm sau khi ngành Du lịch được thành lập, Bác đến thăm khách sạn Kim Liên. Bác nói:

        “Kim Liên là hoa sen vàng”.

Du lịch như bông hoa tô đẹp cho cuộc đời, nhưng du lịch phải làm ra của cải vật chất để không chỉ là “Hoa sen” mà là “Hoa sen Vàng”.

Năm mươi năm qua, du lịch đã nỗ lực phấn đấu để có sức, có tình và là hoa sen vàng. Ngành Du lịch đã được Đảng và Nhà nước khẳng định “Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao...”. “Du lịch một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đất nước”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Đảng đã chỉ rõ “phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn”. Với tư cách là một ngành kinh tế, du lịch đã phát triển nhanh, mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của đất nước.

Trên con đường cánh mạng, Bác Hồ vừa đi, vừa hoạt động, vừa học tập. Bác đánh giá cao sự khám phá và vai trò của người đi du lịch. Trong tác phẩm nổi tiếng “Bản án Chế độ thực dân” viết năm 1925, Bác đã lấy những nhận định của khách du lịch để vạch trần chế độ thực dân. Bác viết:

        “Ông Vinhe Dốctông viết: Trên thế giới không có dân tộc chiến bại nào bị đàn áp và hành hạ như người dân thuộc địa.”

Một nhà du lịch khác viết: Đời sống ở thuộc địa chỉ làm cho các tật  xấu của cá nhân phát triển.

Một nhà du lịch thứ 3 viết: “khi đặt chân đến đây, tất cả những người Pháp đều nghĩ rằng người An Nam là hạng người thấp kém và phải làm nô lệ cho họ”.

Bác luôn trân trọng sự khách quan của khách du lịch. Du lịch không chỉ thu tiền của khách, mà còn hưởng lợi từ những khám phá của họ. Học tập Bác, ngành Du lịch luôn đối xử với khách du lịch bình đẳng, tôn trọng và thân thiện. Đó chính là “tình”, là sức hút mạnh nhất đối với khách du lịch. Luật pháp Việt Nam luôn bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản trong chuyến đi du lịch của khách. Khách du lịch được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, quá cảnh, lưu trú, đi lại, hải quan. Thái độ đối xử với khách chính là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch.

Ai cũng biết du lịch là ngành dịch vụ cho con người. Chất lượng dịch vụ là yếu tố hàng đầu được khách quan tâm. Điều này đòi hỏi ý thức phục vụ, trình độ kỹ năng nghề cũng như lòng yêu nghề của người làm du lịch.

Ngày 2/7/1961, Bác đến thăm lớp nghiệp vụ nấu ăn đầu tiên toàn miền Bắc. Bác nói:

        “...

        2. Nhưng nhiều người chưa hiểu rõ vị trí vai trò của những người nấu ăn và dọn bàn, vì vậy mà có những ý nghĩ sai lầm như:

        - Xem khinh nghề nấu ăn và dọn ăn, cho rằng nghề đó là nghề hầu hạ người khác.

        - Cho rằng người đó không có tiền đồ. Thậm chí e làm nghề đó thì trai sẽ ế vợ, gái sẽ ế chồng vv....

        Những ý nghĩ đó hoàn toàn không đúng.”

Sau 49 năm, cũng vẫn còn “nhiều người chưa hiểu rõ.” như Bác đã nói. Nhiều người vẫn quan niệm làm du lịch là đi hầu người khác và không muốn cho con em mình đi học du lịch. Những người đó nên ngẫm suy lời của Bác.

Về học tập rèn luyện kỹ năng, Bác nói:

        “...

        7. Có người nói: việc làm bếp núc vất vả, không học tập được, không vẻ vang. Nói vậy không đúng.

Ngày trước Bác cũng đã làm phu bếp. Lúc đó Bác là vong quốc nô, làm phu bếp cho thực dân Pháp. Công việc vất vả từ 5 giờ sáng đến 9,10 giờ tối. Nhưng Bác vẫn học được văn hóa và chính trị. Có quyết tâm thì nhất định học được.”

Lời dạy của Bác thật thấu tình đạt lý. Không gì có thể ngăn cản sự nỗ lực vươn lên của mỗi con người dù họ đang làm gì. Làm theo Bác ắt sẽ thành công.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành Du lịch, nhắc lại những lời của Bác để ngành Du lịch tự khẳng định mình, đồng thời cùng toàn xã hội kiểm nghiệm lại mình trên 3 mặt:

        Một là Ngành kinh tế mũi nhọn,

        Hai là thái độ đối với khách du lịch,

        Ba là thái độ đối với người lao động trong ngành.

Chúc cho ngành Du lịch tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

  
tác giả TS. Nguyễn Phú Đức 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội