Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
“Tư duy lãnh đạo là yếu tố then chốt để thực hiện chính sách bình đẳng giới”    8/1/2018 2:12:22 PM
Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng không chỉ của Việt Nam, mà của các nước trên thế giới...

"Tư duy lãnh đạo là yếu tố then chốt để thực hiện chính sách bình đẳng giới hiệu quả và đây cũng là thách thức lớn nhất đối với bình đẳng giới tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay", bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam, nêu quan điểm.

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam.


Bà đánh giá như thế nào về sự quan tâm và đầu tư của khu vực Doanh nghiệp đối với vấn đề bình đẳng giới ở nơi làm việc? Có sự khác nhau nào giữa khu vực Doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam?


Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng không chỉ của Việt Nam, mà của các nước trên thế giới. Đó là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội và sự bền vững của nền kinh tế. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến vấn đề bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Theo một báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê, năm 2017, lao động nữ chiếm tỷ lệ 48,1% tổng lực lượng lao động của cả nước. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ trong vai trò lãnh đạo ở Việt Nam tương đối cao (28%) so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 19%.

Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều phụ nữ đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực kinh tế cũng như các lĩnh vực khác. Tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị ngày càng gia tăng, và một vị trí chủ chốt trong Bộ Chính trị (Chủ tịch Quốc hội) lần đầu tiên trong lịch sử do một nữ chính khách đảm nhiệm kể từ ngày 31/3/2016. Với tỷ lệ 26,8% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN).

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều rào cản cho bình đẳng giới ở nơi làm việc tại Việt Nam. Tỷ lệ nữ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã tăng lên, nhưng vẫn còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, và so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng.

Ở một số nơi, vấn đề chênh lệnh thu nhập giữa nam và nữ ở cùng một vị trí công việc vẫn đang diễn ra, cơ hội cho nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn nam giới, và nữ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực.

Đây cũng là một trong những điểm khác nhau giữa khu vực doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi gia nhập vào thị trường Việt Nam có mong muốn tuyển dụng lao động nữ nhiều hơn, vì phụ nữ được đánh giá là làm việc chuyên tâm và hiệu quả hơn so với nam giới.

Từ góc độ tiếp cận bình đẳng giới, theo bà, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang vấp phải những vấn đề phổ biến nào được xem là bất bình đẳng giới (trong công tác tuyển dụng, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, chính sách thai sản, lương hưu và tuổi hưu…)?

Một trong những vấn đề phổ biến và cũng là thách thức cho Việt Nam là phải giải phóng được định kiến trọng nam khinh nữ, theo đó phụ nữ phải là người người chăm sóc chính cho con cái và gia đình. Chính vì tư tưởng này, nhiều doanh nghiệp vẫn ngần ngại trong việc tuyển dụng lao động nữ, vì lao động nữ sẽ mất một khoảng thời gian gián đoạn cho nghỉ thai sản, chăm sóc con ốm…

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra con số đáng phải suy ngẫm về sự bất bình đẳng giới và sự phân biệt đối xử với nữ giới trong môi trường làm việc, khi có đến 83% quảng cáo tuyển dụng ưu tiên ứng viên là nam giới. Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2017 cho thấy, càng lên các vị trí cao, tỷ lệ phụ nữ càng giảm dần. Ở cùng một vị trí công việc, nam giới được trả lương cao hơn 11% so với nữ giới.

Theo quy định của Luật Lao động Việt Nam (cụ thể trong thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH), có đến 38 loại công việc phụ nữ không được phép tham gia vì bị coi là nguy hiểm đối với nữ giới, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản - quy định này theo hướng bảo vệ tích cực sức khỏe cho phụ nữ, tuy nhiên, một số công việc trong danh mục vẫn là nguồn mưu sinh của không ít phụ nữ trong hoàn cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam quy định tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn 5 năm so với nam, theo đó, mức lương hưu của nữ giới cũng thấp hơn so với phái nam. Đó là những quy định bất cập đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.


Theo bà, thực hiện bình đẳng giới ở nơi làm việc mang lại những giá trị gì? Tác động trực tiếp như thế nào đến năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp? Cụ thể ở Deloitte như thế nào?


Các doanh nghiệp Viêt Nam cần nhận thức đầy đủ về những giá trị mà bình đẳng giới mang lại đối với hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, tư duy của nhà lãnh đạo đóng vai trò then chốt, là nền tảng để xây dựng được một chính sách nhân sự tốt hơn, tạo điều kiện phát triển bình đẳng cho cả nam và nữ.

Có được sự bình đẳng trong cơ hội làm việc và thăng tiến, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững, tăng sự hài lòng của nhân viên, góp phần thu hút và giữ chân nhân tài. Ở chiều ngược lại, người lao động sẽ đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của công ty, giúp tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, những chính sách bình đẳng giới cũng sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và xây dựng thương hiệu - một trong những tài sản vô hình quan trọng của doanh nghiệp.

Tại Deloitte, các chính sách bình đẳng giới được áp dụng từ rất sớm và được duy trì trong nhiều năm qua. Trong một môi trường làm việc với gần 60% lao động là nữ, và gần 40% nữ giới nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao (Phó tổng giám đốc), tại Deloitte, không có sự phân biệt giữa nam và nữ trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, đào tạo, thăng tiến, hay bất kỳ chế độ đãi ngộ nào của công ty.

Đó cũng là một tiêu chí quan trọng góp phần giúp Deloitte Việt Nam liên tiếp được bình chọn trong "Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam", theo xếp hạng của Alphabe và Nielsen trong 5 năm gần đây, và "Top 10 Doanh nghiệp Phát triển bền vững nhất Việt Nam" 2 năm liên tiếp 2016, 2017 trong chương trình thực hiện bởi Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD - VCCI) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,...


Theo bà, khó khăn lớn nhất khi thực hiện chính sách bình đẳng giới ở các doanh nghiệp nói chung là gì?


Tư duy lãnh đạo là yếu tố then chốt để thực hiện chính sách bình đẳng giới hiệu quả và đây cũng là thách thức lớn nhất đối với bình đẳng giới tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nhận thức về vấn đề bình đẳng giới ở nơi làm việc tại Việt Nam chưa cao. Lãnh đạo ở một số doanh nghiệp vẫn cho rằng bình đẳng giới nghĩa là phải có lực lượng lao động tuyệt đối cân bằng (tỷ lệ 50-50) hoặc có các chính sách ưu tiên nữ giới, mà chưa hiểu bình đẳng giới nghĩa là đảm bảo các quyền lợi cho cả 2 giới.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thiếu công cụ đo lường và đánh giá thực trạng bình đẳng giới tại doanh nghiệp một cách chính xác, từ đó đưa ra lộ trình cải thiện một cách hợp lý và hiệu quả.


Bà có sáng kiến hay đề xuất nào để thúc đẩy nhanh nhận thức cũng như thực hiện bình đẳng giới ở nơi làm việc?


Để thúc đẩy nhận thức của doanh nghiệp về bình đẳng tại nơi làm việc, trước tiên, doanh nghiệp cần nhìn nhận và đánh giá lại các chính sách nhân sự tại doanh nghiệp mình, để từ đó đưa ra được mục tiêu, chiến lược và hành động rõ ràng.

Trong đó, cần tập trung vào chiến lược phát triển con người, bao gồm: Đa dạng hóa lực lượng lao động tại công ty; Tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ trong tuyển dụng, làm việc và thăng tiến; Đưa ra những chương trình đào tạo cho nữ giới để phát triển lên các vị trí quan trọng; Đào tạo về bình đẳng giới tại doanh nghiệp: giúp cán bộ nhân viên hiểu rõ thế nào là bình đẳng giới, tầm quan trọng của bình đẳng giới tại nơi làm việc và đưa vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể áp dụng các công cụ đo lường tiêu chuẩn quốc tế về bình đẳng giới tại nơi làm việc như chứng chỉ EDGE (Economics Dividends for Gender Equality) - một trong những chứng chỉ uy tín và có giá trị nhất về bình đẳng giới trên thế giới hiện nay. Đồng thời, đưa ra lộ trình truyền thông phù hợp nhằm lan tỏa và tác động đến cộng đồng để thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc.

  
tác giả Nguồn:vneconomy.vn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật