Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Luật DN sửa đổi: Thúc đẩy hơn nữa quyền tự do kinh doanh    7/1/2014 3:52:40 PM
Góp ý tại về dự án Luật DN sửa đổi tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Hi vọng dự án Luật DN sửa đổi lần này sẽ tạo ra bước đột phá mới trong việc cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, từ đó thúc đẩy, khuyến khích hơn nữa tinh thần DN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của VN.


TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định tại Quốc hội: Với tính chất là luật gốc, là cơ sở pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam, chúng ta kỳ vọng Luật DN sửa đổi sẽ là tiền đề cho một hệ thống pháp luật về doanh nghiệp thực sự tự do

Với các nội dung sửa đổi lần này nếu được Quốc hội thông qua sẽ có thể nâng hạng chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam từ chiếu dưới mức trung bình tăng 50 bậc, xếp khoảng thứ 60 cùng chiếu trên với tốp 30% nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong bảng xếp hạng của ngân hàng thế giới về chất lượng môi trường kinh doanh toàn cầu. Tôi xin có một số ý kiến góp ý cụ thể như sau:

Một là, cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng Luật DN mở ra trong khi các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì lại bó lại.

Chúng ta đều biết nguyên tắc về quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận và cụ thể hóa trong các quy định của Luật DN từ năm 2005. Với tính chất là luật gốc, là cơ sở pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam, chúng ta kỳ vọng đây sẽ là tiền đề cho một hệ thống pháp luật về DN thực sự tự do.

Tuy nhiên quá trình thi hành luật gần 10 năm qua đã cho thấy một bức tranh khác. Với quá nhiều các quy định riêng trong các luật chuyên ngành, quá nhiều các thủ tục và giấy phép con, cháu, chắt quy định trong các văn bản hướng dẫn và triển khai ở cấp, nguyên tắc quyền tự do kinh doanh trong Luật DN đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần. Nay với quy định trong dự luật rằng luật chuyên ngành quy định khác với Luật DN về tổ chức và quản lý cũng như giải thể DN thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành.

Tôi lo ngại rằng tình trạng vô hiệu hóa pháp luật về DN sẽ không giảm bớt thậm chí còn có nguy cơ gia tăng. Chúng ta quy định nguyên tắc chung trong Luật DN, nhưng lại không có cơ chế kiểm soát các quy định riêng ngoại lệ được quy định trong luật chuyên ngành thật đáng lo ngại. Vì suy cho cùng ngành nào cũng có thể là chuyên ngành và đều có thể có luật riêng với các lý do khác nhau.

Cho nên tôi đề nghị khẳng định dứt khoát về cơ cấu tổ chức và quản trị DN thì Luật DN phải được ưu tiên áp dụng so với các pháp luật chuyên ngành.

Hai là, phải chế định khoa học công tác hậu kiểm để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của DN không bị lạm dụng, quyền tự do kinh doanh của DN bắt đầu từ quyền tự do gia nhập thị trường tức là thành lập DN. Tuy nhiên, quyền tự do kinh doanh cũng bao hàm trong nó giới hạn không làm phương hại tới xã hội hay lợi ích của người khác. Vì vậy, để quyền tự do kinh doanh không bị lạm dụng Luật DN cần đặc biệt chú ý tới các quy định về hậu kiểm đối với DN ít nhất là trong các lĩnh vực chung thuộc phạm vi của luật này. Để bảo đảm rằng các DN đã đăng ký để hoạt động kinh doanh, không phải là DN ma lập ra để mua bán hóa đơn để lừa đảo

Báo cáo hoạt động và tài chính của DN là một thủ tục hậu kiểm cần thiết, không thể để tình trạng như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về DN không biết và xã hội không có được những thông tin đầy đủ về các DN đã đăng ký còn hay mất và đang hoạt động ra sao, lỗi này nằm ở khâu hậu kiểm, cụ thể là hậu kiểm thiếu khoa học, thiếu chuyên nghiệp. Luật DN năm 2005 đã quy định về nghĩa vụ báo cáo hàng năm của DN nhưng không có hiệu quả bởi việc báo cáo rất nhiêu khê và DN ngại thực hiện, cũng không có chế tài, kết quả là nhà nước không nắm được tình hình DN. Để mỗi khi có yêu cầu, các cơ quan Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ chuyên ngành, mỗi cơ quan lại đưa ra những con số khác nhau về tình hình DN. Do đó, cần phải tính đến biện pháp hậu kiểm và công tác thông tin báo cáo có hiệu quả hơn.

Ba là, về ngành nghề kinh doanh và nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nhiều năm qua việc ghi ngành nghề, mục tiêu quản lý của nhà nước theo ngành nghề đã không đạt được, nhiều DN để tiện cho mình đã đăng ký khống cả chục trang giấy về tất cả các ngành nghề trong bản thống kê kinh tế quốc dân. Cơ quan nhà nước lúng túng trong việc áp mã của ngành nghề khiến các DN cũng vất vả, hai bên cùng khổ. Nguyên tắc DN được quyền tự do kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực nhà nước không cấm theo Hiến pháp trên thực tế đã trở thành nguyên tắc DN chỉ được kinh doanh trong những lĩnh vực quy định trong giấy phép.
Nguyên tắc cao nhất của quyền tự do kinh doanh là DN được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.
Cũng để phục vụ trong việc không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy đăng ký kinh doanh tôi nhất trí với việc quy định công bố công khai, rõ ràng danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa bởi nó giúp DN không phải tự tìm khắp nơi trong cả một rừng pháp luật hiện nay để biết được về những lĩnh vực họ không được kinh doanh hay họ kinh doanh với những điều kiện nhất định.

Tuy nhiên, để danh mục này đạt hiệu quả trông đợi thì cần phải quy định ngay tại dự luật 2 việc: Thứ nhất, danh mục phải được cập nhật thường xuyên để có thể đưa vào danh mục tất cả các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo các thay đổi pháp luật chuyên ngành ở các cấp, luật, pháp lệnh, nghị định. Để thực hiện yêu cầu này tôi đề nghị danh mục này không nên là một văn bản cấp Chính phủ. Vì văn bản cấp Chính phủ có thể thay đổi liên tục được, mà chỉ nên giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai, cập nhật thường xuyên.

Thứ hai, dự luật cần quy định về hiệu lực của danh mục này, theo đó DN không có nghĩa vụ thực hiện các điều kiện kinh doanh không có trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chỉ như vậy thì danh mục này mới thực sự giúp ích cho DN. Nguyên tắc cao nhất của quyền tự do kinh doanh là DN được làm tất cả những gì pháp luật không cấm mới thực sự trở thành hiện thực.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM):
Giấy phép con”, cháu” vô hiệu luật


Dự luật có nhiều nội dung tiến bộ, hội nhập sâu hơn với thế giới, như cải cách mạnh về thủ tục hành chính, nhất là khâu đăng ký doanh nghiệp, nội dung giấy chứng nhận đăng ký, thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký với thủ tục đăng ký thuế, đăng ký lao động.

Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế theo đúng tinh thần Điều 31 của Hiến pháp. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo dự thảo luật sửa đổi.

Quá trình thi hành luật gần 10 năm qua đã cho thấy một bức tranh khác. Với quá nhiều các quy định riêng trong các luật chuyên ngành, quá nhiều thủ tục và giấy phép con, cháu, chắt quy định trong các văn bản hướng dẫn, triển khai ở các cấp, nguyên tắc quyền tự do kinh doanh trong Luật DN đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần. Để quyền tự do kinh doanh không bị lạm dụng, Luật cần đặc biệt chú ý tới các quy định về hậu kiểm đối với doanh nghiệp, ít nhất là trong các lĩnh vực chung thuộc phạm vi của luật này. Để bảo đảm rằng các DN đã đăng ký để hoạt động kinh doanh, không phải là DN “ma”, lập ra để mua bán hóa đơn, để lừa đảo.

ĐB Nguyễn Anh Dũng (Bắc Giang):
DNNN cần cơ chế đặc thù


Đối với loại hình DNNN, có những đặc thù riêng về chủ sở hữu nên cần có những quy định riêng đặc thù về cơ cấu tổ chức, quản lý, trách nhiệm... Những nội dung này cần phải viết cụ thể và chi tiết hơn và đưa vào một chương trong Luật Đầu tư quản lý vốn nhà nước tại DN đang được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này. Trong dự thảo đó thiếu hẳn phần quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động, là một trong những yếu tố rất quan trọng để quản lý tốt vốn nhà nước tại DN”. Cần xem xét chương quy định về tập đoàn kinh tế, bởi có rất nhiều kẽ hở. Ví dụ, Cty mẹ ra lệnh cho Cty A là Cty con phát hành trái phiếu, ra lệnh cho Cty con là Cty B mua trái phiếu của Cty A thì hậu quả dẫn đến những tổn thất, tranh chấp về mặt tài chính, Cty mẹ không liên quan trực tiếp đến mặt vốn, không thể quy định Cty mẹ chịu trách nhiệm gì như trong dự thảo luật này. Đối với quy mô những tập đoàn tài chính lớn thì phải áp dụng những chuẩn mực an toàn cao hơn đối với những loại tài chính Cty, tài chính nhỏ. Do vậy, cần phải nghiên cứu lại những khái niệm về nhóm Cty và tập đoàn và định nghĩa cho rõ theo cách thức chỉ có một thực thể nhất định.
  
tác giả Nguồn http://dddn.com.vn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội