Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Doanh nghiệp chạy đua với tỷ giá    7/1/2014 3:48:37 PM
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng tỷ giá giao dịch hằng ngày lên 1% (tương ứng từ 21.036 đồng lên 21.246 đồng). Về cơ bản, việc nâng tỷ giá không ảnh hưởng nhiều đến hệ thống tiền tệ nhưng có tác động đến kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp (DN).


Theo đánh giá của HSBC Việt Nam, sự điều chỉnh lần này sẽ không làm tiền đồng suy yếu nhiều. Trên thực tế, VND đã được hỗ trợ tốt hơn bởi ngoại hối vào Việt Nam cân bằng hơn trong năm ngoái. Cán cân xuất nhập khẩu được giữ mức trung lập nhờ vào tình hình xuất khẩu cải thiện cũng như mức tăng trưởng nhập khẩu ít hơn.

Thêm vào đó, nguồn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng trở lại và đạt mức trung bình một tỷ USD/tháng trong năm nay. Chính những dòng chảy này đã giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối. Theo ước tính của các nhà phân tích, dự trữ ngoại hối đã tăng gần 10 tỷ USD trong năm 2013.

Tuy nhiên, lãi suất thực tế đã bị đẩy gần ngưỡng âm trong mấy tháng gần đây và tính thanh khoản của VND trên thị trường trong nước tương đối thấp đôi khi lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ. Điều này dẫn đến lực cầu USD tăng do khoảng cách lãi suất của hai loại tiền tệ này bị thu hẹp. Do vậy, dù vẫn đánh giá việc điều chỉnh tỷ giá mới của NHNN không gây bất ngờ nhưng rõ ràng, lãi suất thực tế giảm có khả năng gây ra rủi ro cao hơn khi lực cầu và lạm phát bắt đầu tăng trở lại. Điều này có ảnh hưởng nhiều tới tương lai của VND.

Mặc dù dự trữ ngoại hối có tăng lên nhưng các nhà điều hành vẫn chưa thực sự mặn mà với việc sử dụng lượng dự trữ này quá sớm. Hơn nữa, với VND điều chỉnh mới một nửa của mức 2% mà NHNN đã nói, vẫn có khả năng sẽ có mức điều chỉnh thêm 1% vào cuối năm nếu NHNN thực sự thấy cần thiết.

Với xu thế đó, nhiều người lo ngại những DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng vì chính sách này. Nhưng trên thực tế, hiện nay các DN đã có những phương án cụ thể và cho biết họ không còn bị bất ngờ đối với sự thay đổi của chính sách. Điều này được các chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt khẳng định khi họ tiếp xúc với một số DN.

Chẳng hạn, ngành thép với nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu lớn hằng năm được đánh giá là chịu ảnh hưởng tiêu cực. Lãnh đạo của hai DN lớn trong ngành thép là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) với nguồn nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu HRC và phôi thép cho biết tác động việc tăng tỷ giá đối với DN này, sẽ không đáng kể.


Nguyên nhân, theo chia sẻ của hai DN, dự trù tăng tỷ giá đã được tính toán trước trong kế hoạch năm với mức độ dự báo điều chỉnh tỷ giá là cao hơn 1%. Tuy nhiên, hai DN này cũng thừa nhận, biến động về tỷ giá lần này không mang yếu tố bất ngờ nhưng vẫn ảnh hưởng nhẹ đến lợi nhuận trong những tháng còn lại của năm.

Còn về trường hợp của Công ty CP Dệt May Thành Công (TCM), nhìn vào báo cáo tài chính thấy rõ các khoản nợ của DN chủ yếu là nợ bằng USD (tương đương 855 tỷ đồng). Với việc điều chỉnh tỷ giá, TCM sẽ ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện khoảng 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, giả sử toàn bộ doanh thu bằng đồng USD của TCM tăng 1% thì lợi nhuận sau thuế cũng chỉ tăng khoảng 1-2 tỷ. Do vậy, mức độ tác động của tỷ giá đến DN là tiêu cực nhẹ và không đáng kể.

Cũng là đơn vị có mối quan hệ mật thiết với thị trường quốc tế nhưng Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành (GDT) lại được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu của GDT chiếm 85 - 90% doanh thu của Công ty trong khi nguồn nguyên liệu chủ yếu mua trong nước. Dựa trên mức điều chỉnh tỷ giá, ước tính GDT được hưởng lợi gần 2,2 tỷ đồng.

Con số này tuy không lớn nhưng có thể sẽ được Công ty tận dụng để tăng sự cạnh tranh cho sản phẩm của mình tại các thị trường xuất khẩu. Có thể nói, GDT có thêm thuận lợi thứ hai bên cạnh lợi thế giá nguyên liệu gỗ cao su giảm trong thời gian qua.

Ngoài ra, trong báo cáo điều chỉnh mới đây của một số ngành, việc điều chỉnh tỷ giá này sẽ có lợi cho các DN thủy sản, cao su và khai khoáng có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cao. Có thể, đây cũng chính là mục đích của việc điều chỉnh tỷ giá lần này của NHNN, đó là hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng thời tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối.

Nhìn chung, xét về mặt tâm lý DN, nếu như trước đây, mỗi lần NHNN điều chỉnh tỷ giá đều tạo ra những biến động trong nội bộ DN, nhưng như đã đề cập ở trên, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là không bất ngờ, các DN đã tính tỷ giá khi xây dựng kế hoạch từ đầu năm và thậm chí mức dự trù theo kế hoạch còn cao hơn con số 1- 2% mà NHNN đã cam kết.

  
tác giả Nguồn doanhnhansaigon.vn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội