Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Hướng đến doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ    7/1/2014 3:34:14 PM
Cơ chế doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) đang dần trở thành một xu thế toàn cầu, đã được một số đối tác thương mại của Việt Nam đưa ra trong các đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Dự kiến đến năm 2015, mười nước trong khu vực ASEAN sẽ áp dụng cơ chế TCNXX, trong đó có Việt Nam.


Trong tương lai, giấy chứng nhận xuất xứ sẽ do doanh nghiệp tự chứng nhận, tiết giảm các thủ tục này tại hải quan

Xu hướng chung của thế giới

Hiện nay, cơ quan Hải quan và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) là các đơn vị có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) theo yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Cơ chế chứng nhận có sự kiểm soát chặt chẽ này được cho là có độ tin cậy cao nhưng khó tránh khỏi những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém về tiền bạc.

Trong những trường hợp chứng minh xuất xứ phức tạp thì việc xin C/O sẽ kéo dài, khiến doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu thêm chi phí kho bãi mà còn bị phạt chậm hợp đồng với phía đối tác.

Nếu Việt Nam áp dụng cơ chế TCNXX thì sẽ khắc phục được các vấn đề nói trên vì khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tự khai báo xuất xứ hàng hóa với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu (thường là bộ phận hải quan) để được hưởng ưu đãi thuế quan, không cần chứng nhận của hải quan Việt Nam.

Như vậy, trên cơ sở các tiêu chí được quy định trong các văn bản liên quan, doanh nghiệp xuất khẩu có thể tự tổ chức đánh giá, xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cũng như chứng nhận hàng hóa do doanh nghiệp nào sản xuất. Quy trình này khá đơn giản, giảm chi phí giao dịch, đẩy nhanh thủ tục xuất khẩu và tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp vươn lên tiếp cận FTA.

Thực tế, cơ chế tự chứng nhận xuất khẩu là phù hợp với thực tế vì doanh nghiệp xuất khẩu nắm rõ về nhà sản xuất và xác định sự phù hợp của nguồn gốc hàng hóa với các tiêu chí của nước nhập khẩu. Hiện nay, cơ chế TCNXX đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng như New Zealand, Úc, EU, Mỹ, Canada, Mexico, Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, một số nước Mỹ Latinh; châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines.

Việc áp dụng cơ chế này ở các mức độ, hình thái khác nhau nhưng về cơ bản đều giống nhau ở điểm là chuyển dịch vụ công này từ cơ quan chính phủ (hoặc cơ quan được chính phủ ủy quyền) sang cho khối tư nhân. Cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu chỉ hợp tác điều tra, giám định xuất xứ khi có yêu cầu từ phía nước nhập khẩu.

Điều kiện để doanh nghiệp được thực hiện

Thông tin tại hội thảo cho biết, doanh nghiệp muốn có quyền TCNXX phải được cơ quan Hải quan của Việt Nam cấp phép. Theo ông Trần Trung Thực, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và khối EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein), để đáp ứng, doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện như kim ngạch xuất khẩu phải đủ lớn, doanh nghiệp phải chứng minh được những hiểu biết đầy đủ về chứng nhận xuất xứ cũng như yêu cầu về xuất xứ trong các hiệp định đã ký.

Vì vậy, nếu các quy định này được thực thi, hơn 900.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay tại Việt Nam sẽ chịu thiệt thòi trong trước mắt, vì vẫn phải thực hiện quy trình chứng nhận C/O như cũ.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng cần lưu ý khác là tính chuẩn xác trong việc thực hiện kê khai xuất xứ sản phẩm. Doanh nghiệp do tìm hiểu chưa kỹ càng hay thậm chí là tính tự giác tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn hơn về sau.

Kinh nghiệm thực tế của Mỹ và một số nước châu Âu cho thấy, cơ chế này bắt buộc nhà xuất khẩu, nhà sản xuất sẽ có trách nhiệm hơn trong việc theo dõi chuỗi cung ứng, tạo nên một quy trình chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau, duy trì tốt quan hệ làm ăn giữa bên xuất khẩu với bên nhập khẩu. Điều này cũng làm tăng trách nhiệm cho nhà nhập khẩu khi muốn hưởng những chính sách ưu đãi phải có những ràng buộc, yêu cầu cụ thể với nhà sản xuất và xuất khẩu về nguồn gốc hàng hóa.

Cũng chính điều này sẽ tạo nên những đối tác tin cậy, làm ăn lâu dài. Bởi vì cung cấp thông tin sai, dẫn tới việc nhà nhập khẩu chứng nhận sai sẽ dẫn tới những trách nhiệm về tài chính (chẳng hạn khấu trừ hợp đồng, tiền bán hàng, tiền phạt hợp đồng…). Hậu quả lớn hơn là sau đó, doanh nghiệp sẽ không được cấp phép trở lại.

Theo ông Arthur Muller, người đứng đầu Bộ phận Quản lý Hải quan, phụ trách đàm phán Hiệp định thương mại, tại Tổng cục Hải quan Thụy Sĩ, khi đàm phán các FTA, các nước EFTA luôn yêu cầu đối tác cho doanh nghiệp TCNXX. Việt Nam và EFTA đã trải qua tám vòng đàm phán FTA. Tuy vẫn chưa đi đến hồi kết nhưng cách tiếp cận của EFTA là đối tác Việt Nam có thể vừa thực hiện quy trình cấp C/O như từ trước đến nay, vừa xây dựng hệ thống cho doanh nghiệp TCNXX nhưng theo các quy định riêng của Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp lo ngại Việt Nam sẽ dễ đánh mất lợi thế cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực, thậm chí bị bỏ lại phía sau trong quá trình hội nhập nếu chúng ta không nắm bắt ngay những xu hướng mới như TCNXX nói trên.

Thay vì mua hàng từ Việt Nam, do lo ngại những rắc rối, mất thời gian, chi phí trong khâu cấp C/O, các khách hàng sẽ mua từ những nước thành viên khác, nơi mà có thủ tục thông thoáng hơn. Lo ngại đó càng có cơ sở vì theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM, các nước ASEAN đã đưa ra lộ trình đến năm 2015 sẽ triển khai hệ thống này.
  
tác giả Nguồn doanhnhansaigon.vn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội