Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
"Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc, đút lót"    7/3/2014 3:48:15 PM
Tại cuộc hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 3.7, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Việt Nam đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo hình thức EPC: 23/24 nhà máy xi măng; 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng (bauxite), cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới…”.

Ông cũng cho rằng, với các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia, lợi ích nhóm chi phối mạnh trong khi “Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc, đút lót”. Theo chuyên gia này, việc để lợi ích nhóm chi phối trong các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng có “quá nhiều sơ hở không đáng có dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc”, do đó, cần công khai minh bạch hơn nữa và làm rõ trách nhiệm cá nhân. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cần sửa đổi, bổ sung luật Đấu thầu và các luật có liên quan (như về cho thuê rừng và đất rừng).

Công trình thi công cảng Vĩnh tân (Bình Thuận) do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm
 - Ảnh: Quế Hà

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng xác nhận tình trạng này. “Hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam không có thị trường, hầu hết các dự án công nghiệp dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc cơ chế đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc”, ông Thụ nói. Theo ông này, từ năm 2003-2011, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC của 5/6 dự án hóa chất; 2/2 dự án chế biến khoáng sản; 49/62 dự án xi măng. Riêng nhiệt điện có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu.

“Nhưng các dự án do Trung Quốc làm thường chậm tiến độ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế. Nhà thầu Trung Quốc thường xuyên thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp do đó, giá hợp đồng bị đội lên”, ông Thụ cảnh báo.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam lo lắng: “Có thể nói, ngành cơ khí Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu phần lớn các dự án công nghiệp, không dành phần việc nào cho cơ khí trong nước”. Ông cho rằng, một phần nguyên nhân của tình trạng trên là do luật Đấu thầu của Việt Nam hiện vẫn ưu tiên cho các nhà thầu bỏ giá thấp mà chưa chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ về chất lượng thiết bị. Trong khi đó, các dự án chỉ định thầu EPC do nhà thầu Trung Quốc thu xếp được tài chính từ nguồn vay tại Trung Quốc với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản.

Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cũng cho biết, hiện nay ngành dệt may lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu (chiếm 86% tổng nhu cầu), đặc biệt là Trung Quốc (46%). “Tình trạng nút thắt cổ chai tại khâu dệt nhuộm trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam”, đại diện Vinatex nói.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cảnh báo về nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn. “Nhập siêu từ Trung Quốc luôn lớn hơn tổng nhập siêu của Việt Nam, thực sự là vấn đề lớn”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói. Ngoài những nguyên nhân khách quan về sự gần gũi về địa lý, sự phụ thuộc của nhiều ngành kinh tế Việt Nam vào những nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc mà Việt Nam chưa sản xuất được; giá hàng hóa từ Trung Quốc quá rẻ và cạnh tranh hơn… theo chuyên gia này, một nguyên nhân chính là do các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu quá nhiều công trình ở Việt Nam, nhiều cuộc thắng thầu không minh bạch.

Theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện nhiều ngành sản xuất tại hội thảo, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày nay, sự phụ thuộc của các nền kinh tế là không tránh khỏi, nhất là Việt Nam lại quá gần với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Trung Quốc đạt được nhiều lợi ích trong quan hệ với Việt Nam và Việt Nam cũng đạt được nhiều lợi ích trong quan hệ thương mại, nhất là xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, để nhiều ngành kinh tế lệ thuộc quá lớn, để nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp Trung Quốc thao túng nhiều ngành sản xuất, đặc biệt cơ khí ở Việt Nam… là điều rất rủi ro cho nền kinh tế một khi quan hệ giữa 2 nước đi theo chiều hướng xấu. Do đó, các chuyên gia đề nghị phải cẩn trọng, xem xét lại tất cả các mặt, cần thiết có những điều chỉnh nhất định trong chính sách, quan hệ kinh tế với Trung Quốc để giảm bớt rủi ro.

  
tác giả Theo Mạnh Quân (Thanh Niên Online) 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội