Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Viễn cảnh nền kinh tế 2010    11/11/2010 3:18:27 PM
Năm 2009 đã đi được gần 3/4 chặng đường và bức tranh kinh tế cả năm đã dần sáng tỏ với mức tăng trưởng GDP khoảng 5% và lạm phát từ 6-8%. Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra hai kịch bản kinh tế cho năm tiếp theo với mức tăng trưởng GDP cao nhất là 7%.


Tăng tín dụng, giá dầu, gạo...quyết định kịch bản kinh tế

Thời gian qua có rất nhiều dự báo của các tổ chức, cá nhân về các chỉ số kinh tế vĩ mô, nhưng nhiều dự báo thậm chí trái ngược nhau. Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phân tích và dự báo kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng. Bất kỳ các quyết định chính sách kinh tế nào đều phải dựa trên cơ sở phân tích thông tin và triển vọng của các biến số kinh tế (cả tầm vĩ mô và vi mô). Trên thực tế có nhiều dự báo được đưa ra, kết quả dự báo có thể khác nhau và có thể không tiệm cận thực tế bởi kinh tế thế giới biến động khó lường, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa được đẩy mạnh.


Trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô và diễn biến biến tiền tệ những tháng đầu năm, NHNN dự báo năm 2009, kinh tế tăng trưởng khoảng 5%, lạm phát khoảng 6%-8%. Đặc biệt trong năm 2010, NHNN cho rằng tăng trưởng và lạm phát sẽ diễn ra theo 2 kịch bản.


Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế khoảng 6%-6,5%, lạm phát khoảng dưới 10%. Để đạt được các chỉ số này, NHNN cho rằng nền kinh tế phải đạt được những điều kiện quan trọng như tốc độ tăng của tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm 2009 khoảng 30%, năm 2010 khoảng 25%-27%; hiệu quả đầu tư giảm nhẹ so với năm 2008, đạt khoảng 7,7 năm 2009-2010 do đầu tư mở rộng theo chính sách kích cầu; giá dầu thế giới tăng trở lại và đạt mức bình quân 64 USD/thùng năm 2009 và 70-75 USD/thùng năm 2010; giá gạo thế giới có xu hướng tăng và đạt mức bình quân 570 USD/tấn năm 2009 và 750 USD/tấn năm 2010.


Ở kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,2%-7%, lạm phát khoảng 7,5%-8,5%. Khi đó, các điều kiện sau sẽ là tiền đề: Tốc độ tăng của tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm 2009 khoảng 25-27%, năm 2010 khoảng 23%-25%; hiệu quả đầu tư tương ứng năm 2008, đạt khoảng 7-7,5; giá dầu thế giới bình quân 60 USD/thùng năm 2009 và 70-75 USD/thùng năm 2010; giá gạo thế giới có xu hướng tăng và đạt mức bình quân 565 USD/tấn năm 2009 và 600 USD/tấn năm 2010.


Cần dè chừng lạm phát

Cùng với dự báo trên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng lạm phát khó tăng cao trong năm 2009 và cả năm 2010 nhưng cũng không thể chủ quan với lạm phát. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng, nếu lạm phát tăng, mất cân bằng cán cân hanh toán thì sẽ ảnh hưởng xấu tới nỗ lực tăng trưởng nhanh.


"Đây là thời điểm để cân nhắc, xem xét trọng tâm kích thích để đảm bảo hiệu quả, tránh sa đà vào vấn đề ngắn hạn mà phải hướng tới đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế về dài hạn" - bà Kwakwa nói.


Đồng tình quan điểm này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN bên cạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế còn phải kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô.


"Kinh tế vĩ mô ổn định chính là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Năm 2009 và 2010 đà tăng trưởng kinh tế được duy trì nhưng có sức ép tăng lạm phát, việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải linh hoạt và áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể" - Thống đốc nói.


Cụ thể, theo Thống đốc, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng mô hình kiểm soát khối lượng tiền là chủ yếu (quy mô và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng), kết hợp với kiểm soát giá cả tiền tệ (lãi suất và tỷ giá). Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng trên cơ sở các dự báo tốt về diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến tiền tệ, tín dụng nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 30% và giảm dần trong những năm tiếp theo, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống.


Bên cạnh đó, NHNN cho rằng cần sử dụng các NHTM có quy mô lớn đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN.
  
tác giả Nguồn: VnMedia 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật
HBA làm việc với các Sở chức năng của Hà Nội