Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Dùng chung hạ tầng viễn thông: Lợi thì có lợi nhưng...    6/1/2009 2:17:39 PM
(VietNamNet)-Dùng chung CSHT viễn thông giữa các DN đang là vấn đề "nóng" được đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước và tìm kiếm sự đồng thuận của DN. Những biện pháp nào để đi đến việc dùng chung này và bao giờ thực hiện được?

Dùng chung hạ tầng viễn thông: Lợi thì có lợi nhưng...

08:32' 29/05/2009 (GMT+7)

 Để đảm bảo lợi ích kinh tế của mỗi DN viễn thông tham gia thị trường và tính quy hoạch lâu dài của Nhà nước, dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các DN đang là vấn đề "nóng" được đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước và tìm kiếm sự đồng thuận của DN. Những biện pháp nào để đi đến việc dùng chung này và bao giờ có thể thực hiện được?

Hạ ngầm là biện pháp để giải quyết tình trạng các loại dây cáp chằng chịt treo trên các cột điện và cũng là mục tiêu của việc quy hoạch hạ tầng viễn thông. (Ảnh: HS).

Tại sao phải dùng chung?

Hạ tầng viễn thông CNTT bao gồm các hệ thống đường truyền dẫn hữu tuyến, vô tuyến, cột, trạm phát sóng (BTS), hệ thống bể ngầm, cống ngầm dẫn cáp... Hạ tầng này được vận hành và khai thác bởi các DN hạ tầng viễn thông. Tuy nhiên, khi thị trường viễn thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay, với số lượng gia tăng các hệ thống thiết bị kỹ thuật, trạm phát sóng của các DN nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng, thì không gian để xây dựng, lắp đặt những hạ tầng thiết bị này bị thu hẹp, và một bài toán chống lãng phí trong đầu tư và quy hoạch cơ sở hạ tầng mới được tính đến.

Chỉ trong một khu vực dân cư rộng 200m đã có đến 5 trạm BTS của 5 nhà cung cấp dịch vụ mọc trên đầu; chỉ một đoạn đường ngắn mà 4 DN đều phải cất công đào xới tới 4 lần để đặt cáp ngầm của riêng mình... là những ví dụ điển hình về sự lãng phí trong đầu tư hạ tầng và sự hỗn loạn trong việc quy hoạch hạ tầng viễn thông quốc gia, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí tiền của và mất an toàn, an ninh.

"Ai cũng muốn sở hữu riêng cho mình một cái gì đó" khiến con đường nay bị đào để chôn cáp điện lực, mai bị xới để chôn cáp viễn thông, cáp truyền hình, cấp thoát nước, giao thông... cộng với việc không có một chỉ đạo quy hoạch, phối hợp đồng bộ từ cấp bộ ở Trung ương đến quản lý thực tế tại địa phương là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng: hạ tầng viễn thông Việt Nam dù rất phát triển nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ, manh mún, không khoa học, làm kìm hãm sự phát triển và hiệu quả đầu tư thấp. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp chủ trì Hội nghị Phát triển Hạ tầng CNTT&TT ngày 28/5/2009 đã cho rằng, nhiệm vụ này sẽ đặt lên vai Bộ TT&TT, và bộ này trong vai trò quản lý nhà nước sẽ phối hợp đồng bộ với các ban, ngành liên quan, kiên quyết thực hiện bằng được từng bước trong lộ trình củng cố và phát triển hạ tầng CNTT&TT. 

Bộ TT&TT chủ trì hội nghị trực tuyến 3 miền Bắc-Trung-Nam về phát triển hạ tầng CNTT&TT Việt Nam, ngày 28/5/2009. (Ảnh: Trần Hải).

Dùng chung và bài toán hơn thiệt

TIN LIÊN QUAN
Xét trên lợi ích kinh tế của các DN tham gia thị trường, thì việc dùng chung cơ sở hạ tầng sẽ có lợi gì? Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng thì đối với hạ tầng mạng cố định như đường cáp, bể ngầm, cống ngầm, việc phối hợp đồng bộ để có một giải pháp dùng chung là điều cần phải làm, nhưng đối với hạ tầng của mạng di động, thì việc sử dụng chung đến đâu cũng cần phải thống nhất dựa trên đặc thù kinh doanh của mỗi DN - đó là bài toán kinh doanh khác với hạ tầng mạng cố định.

Ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT thì cho rằng, nên chia vùng sử dụng chung hạ tầng thành các vùng đỏ và vùng xanh. Bởi có những khu vực bắt buộc các DN phải dùng chung cơ sở hạ tầng thì mới đảm bảo an toàn, an ninh và đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất, nhưng có những khu vực - gọi là vùng xanh - thì sử dụng chung hạ tầng không có lợi cho mỗi DN. Đó là những khu vực được phép xây dựng hạ tầng mà DN tự đầu tư thì có lợi hơn là phải đi thuê lại của các DN khác.

Vậy có nên thành lập một DN nhà nước để điều tiết việc thuê mướn cơ sở hạ tầng này không, nhằm đảm bảo khách quan đối với mỗi DN? Trả lời VietNamNet, ông Bùi Thiện Minh cho rằng, không nên làm điều này, bởi như vậy sẽ tạo ra một siêu DN nhà nước, và DN đó lại sẽ trở thành một DN độc quyền.

Ngành điện tăng giá thuê cột điện khiến các DN viễn thông cho rằng không thể chịu đựng nổi là một trong các vấn đề về quan hệ của các DN và cần can thiệp của bàn tay Nhà nước. Đối với việc sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông đặc biệt cần một sự can thiệp tối ưu của Nhà nước. Đề cập tới việc này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng phải xây dựng một cơ chế giá trần và giá cả cụ thể để các DN áp dụng với nhau. Khung giá quy định sẽ khiến các DN hoạt động sòng phẳng và lành mạnh hơn.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, tất cả các vấn đề vướng mắc của việc xây dựng hạ tầng ngầm hóa, lắp đặt trạm BTS và việc phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và sự ủng hộ của người dân sẽ được Bộ TT&TT soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Chính phủ ra riêng một chỉ thị cho việc phát triển hạ tầng CNTT&TT rất quan trọng và cấp bách này.

  • Huyền Chi 
  
tác giả  

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật