Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Tham quan làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận)    7/25/2009 10:11:00 AM
Từ Quốc lộ 1A gần thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), ta đi theo một con lộ tráng nhựa nhỏ về làng gốm Bàu Trúc. Trong cái nắng chói chang của mùa hè, thi thoảng có những cơn gió biển thổi xốc tung cát bụi bay mù mịt. Nắng và gió cát gần như là “đặc sản” của Phan Rang - dải đất cận cuối Nam Trung bộ... Đường vào làng có nhiều lối ngang dọc như ô bàn cờ lớn!


Làng gốm Bàu Trúc cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm chừng non 10 km về hướng Nam. Ở Bàu Trúc có gần 500 hộ với trên 3.000 nhân khẩu người Chăm, đa phần sống với nghề gốm từ rất lâu đời. Theo truyền thuyết dân gian, Tổ của nghề gốm Bàu Trúc là vợ chồng ông Poklong Chanh, hơn ngàn năm trước, ông đã dạy cho phụ nữ trong làng cách lấy đất, nắn, nung đất sét thành những dụng cụ, vật trang trí mà hiện thời du khách có thể nhìn thấy, sờ nắm được. Nhớ ơn của tổ nghề, bà con làng Chăm gốm Bàu Trúc lập đền thờ, tổ chức cúng tế long trọng Poklong Chanh vào dịp lễ hội Katê hàng năm, khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10 dương lịch.

 

Du khách ghé nhà trưng bày gốm Bàu Trúc nằm ngay giữa trung tâm làng. Nhà trưng bày rộng rãi, khang trang, tọa lạc trên một khuôn viên chừng 0,3 ha. Du khách sẽ thấy thích thú trước một rừng gốm, với nhiều chủng loại khác nhau. Nhiều nhất là các bình hoa đủ dáng kiểu, kế đến là những tháp tượng được mô phỏng, các vũ nữ Apsara, bình, ấm nước, nồi niêu, chum vại... Theo nghệ nhân “lão làng” Sử Thị Dinh, tất cả các sản phẩm trên được làm từ nguyên liệu đất sét lấy từ mỏ đất, mỏ cát do phù sa sông Quao hình thành nên, thuộc làng Bàu Trúc.    

 

Làm ra được một sản phẩm gốm cũng lắm vất vả, công phu. Đất sét phải đập nhỏ. Sau đó, đất được rưới nước vừa phải, trùm ủ trước một đêm. Sáng hôm sau, trộn đất với cát mịn nhào nhuyễn. Gốm được các “nữ nghệ nhân” Chăm Bàu Trúc nắn và tạo hình hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những trường phái gốm khác. Lúc đã tạo xong hình dáng, sản phẩm được đem phơi nắng 4-6 giờ, sau đó người ta dùng mảnh sành, sứ nẹp tre cắt, gọt làm bóng, láng. Sản phẩm gốm sau khi phơi nắng, được đem về để ở trong bóng mát khoảng chừng 5-10 ngày rồi sắp vào lò. Lò nung ngoài trời, trên những khoảng, nền đất trống. Gốm được ủ rơm, dùng củi đốt. Sau 4-5 giờ đốt với nhiệt độ khoảng từ 500-6000C, gốm được lấy ra để phun màu (loại màu được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở trên rừng) rồi được đốt, nung tiếp, thêm 2 giờ nữa gốm sẽ chín. Khi chín tới, gốm Bàu Trúc sẽ có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, bợt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang dấu ấn, dáng vẻ đặc sắc của văn hóa Chămpa cổ.

 

Ở làng gốm Bàu Trúc, các cô gái từ 13 tuổi trở lên bắt đầu học nghề gốm, họ phải biết và làm được các sản phẩm từ ấm, niêu đất đến chum, vại đựng nước. Xứ Ninh Thuận có khá nhiều làng Chăm, nhưng chỉ có đất sét làng Bàu Trúc mới làm được những đồ gốm nổi tiếng. Các nghệ nhân chế tác, qua những hoa văn, họa tiết, hình thể, bố cục trên những tác phẩm như đã  thổi hồn và nỗi riêng của mình vào gốm.

 

Chất lượng sản phẩm của gốm Bàu Trúc rất được coi trọng. Thường do các già làng nhiều kinh nghiệm tuyển chọn. Các sản phẩm nung còn non lửa chưa đủ độ chín, hoặc có khi quá già lửa, sản phẩm bị vết rạn nứt hoặc biến dạng hay tái màu được loại bỏ ngay. Các sản phẩm đủ tiêu chuẩn mới được xuất đi. Hàng năm, có hàng trăm ngàn sản phẩm gốm Bàu Trúc được tiêu thụ khá ổn định ở thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Trung bộ, Tây Nguyên. Thường, trung bình mỗi người thợ làng gốm Bàu Trúc có thu nhập mỗi ngày từ lao động sản xuất gốm chừng 40.000-60.000 đ.

 

Khách du lịch đến Bàu Trúc rất thích thú khi được xem các nghệ nhân biểu diễn nắn, tạo hình gốm với bàn tay nhuần nhuyễn, điêu luyện trong những thao tác kỹ thuật thật đẹp mắt. Đôi bàn tay gầy đen, lấm lem đất, vê nhịp nhàng, thoăn thoắt biến khối đất sét vuông dần thành hình tròn, rồi người nữ “nghệ nhân” ấn đầu ngón tay cái vào loe ngoài miệng bình. Sau đó, bà cầm cái nẹp tre dẹt, chà, ép cho trơn láng đế bình rồi đặt nhẹ nhàng chiếc bình hoa xuống đất. Xong thao tác, bà vui vẻ nhìn chúng tôi. Nếu có ai hỏi, bà Sử Thị Dinh sẵn sàng giải thích rất nhiệt tình. Ở Bàu Trúc còn có nhiều nghệ nhân trẻ với những sáng tạo độc đáo về hoa văn, kiểu dáng, mẫu mã. Cô gái Sử Thị Kiều Lan đã khẳng định sự tài hoa của mình qua nhiều tác phẩm gốm đặc sắc!

 

Sản phẩm gốm Bàu Trúc hiện nay được tiêu thụ dưới dạng quà lưu niệm du lịch. Gần đây, với những sản phẩm mô phỏng hình tượng các vị thần Hindu bằng đất nung đã gây được sự chú ý với khách tham quan trong và ngoài nước, tạo ra bước phát triển mới cho làng nghề truyền thống của cộng đồng dân tộc Chăm ở  Ninh Phước.

 

Một chuyến du hành đến miền gió cát Nam Trung bộ, dạo chơi, tìm hiểu, quan sát nghệ thuật chế tác, làm gốm của đồng bào dân tộc Chăm làng Bàu Trúc sẽ là “tour” du lịch, thư giãn nhiều thú vị và bổ ích trong mùa hè của bạn.

  
tác giả dulichvn.org.vn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật