Hiệp Hội Doanh Nghiệp Thành Phố Hà Nội - Số 445 Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội - Tel: (024)3.7674454 - 2.2122725 / Fax: (024)3.7674453 / E-mail: hba@hba.vn
Thủ tướng gặp doanh nghiệp: Gỡ khó khăn, tạo thuận lợi    5/8/2014 9:29:12 AM
“Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo mọi thuận lợi, để cộng đồng DNVN với vai trò là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh để phát triển DN thành công và đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.” Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội  nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2014 vừa diễn ra tại Hà Nội.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị
Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2014


Với hơn 300 kiến nghị cụ thể trong 11 nhóm nội dung của các hiệp hội, DN không chỉ thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của riêng cá nhân doanh nghiệp mà còn vì sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Sẽ có chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho DN

Người đứng đầu Chính phủ cam kết, qua hội nghị Chính phủ  sẽ tập hợp tất cả các kiến nghị tại hội nghị, các ý kiến đã tổng hợp của VCCI để chuyển tới từng Bộ và yêu cầu các Bộ trưởng theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao giải quyết trên tinh thần tháo gỡ mọi khó khăn cho DN. Ngoài ra, Thủ tướng Chính  phủ sẽ giao Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tổng hợp ý kiến, kiên nghị của cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính để  tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho  DN phát triển.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương nỗ lực phấn đấu cũng như kết quả đạt được của cộng đồng DN trong thời gian vừa qua.  Đồng thời khẳng định vai trò to lớn của DN, doanh nhân trong quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế đất nước: “Chúng ta bước vào kế hoạch  5 năm (2011-2015), trong bối cảnh nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn thách thức do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng dưới sự lãnh đạo của  Đảng, sự quản lý của nhà nước, tham gia của Chính phủ các Bộ, ban, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng DN, nền kinh tế VN đã  cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát đề ra.

Thứ nhất, chúng ta đạt được  mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Nếu năm 2011, lạm phát lên tới 18,13%, thì chỉ sau 1 năm đã giảm xuống còn 6,5%. Năm 2013 vừa qua, lạm phát cũng chỉ ở mức xấp xỉ 6,5%. Năm 2014 dự kiến khoảng dưới 6% và 2015 cũng vậy. Cùng với  ổn định vĩ mô, lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, giá trị đồng tiền VN tăng lên, xuất khẩu tăng mạnh. Theo tính toán đến năm 2014 xuất khẩu bình quân tăng trưởng trên 20%/năm. Dự kiến , tính cả 2015 cũng sẽ trên 20%/năm trong kế hoạch 5 năm...



Thứ hai, trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô chúng ta duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2013 chúng ta tăng  trưởng 5,42% thì năm 2014 dự kiến tăng 5,8%.  Dự kiến 2015 sẽ trên 6%. Bình quân  trong 5 năm 2011- 2015 kinh tế VN có tốc độ bình quân 5,8%/năm. Nếu so với mức tăng trung bình của  các nước Asean tăng là 5,6% thì chúng ta vẫn cao hơn.

Ngoài ra chúng ta đảm bảo an ninh xã hội, thực hiện tái cơ cầu nền kinh tế. Thực hiện 3 khâu đột phá: đột phá về thể chế; đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng; đột phá về đào tạo nguồn nhận lực đều đạt được kết quả tích cực ban đầu...”
- Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được cần phát huy, Thủ tướng cũng  thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế của cộng đồng DNVN. Thứ nhất , về số lượng: VN có hơn 90 triệu dân nhưng chỉ có khoảng hơn 400.000 DN đang hoạt động trong tổng số 500.000 DN. Thứ  hai, quy mô quy mô của các DN hiện nhỏ, 97% là DN nhỏ và vừa. Tuy sức cạnh tranh của DN trong những năm gần đây đã nâng lên nhưng chưa đáp ứng  được nhu cầu hội nhập. Mặt khác, môi trường kinh doanh dù đã tốt hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế vướng mắc  cần phải tiếp tục cải thiện. Nếu không sức cạnh tranh quốc gia, của cả nền kinh tế sẽ không theo kịp các quốc gia khác.

Chung sức vì DN

Trên tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, các ngành của Chính phủ, chính quyền địa phương phải nỗ lực cùng với cộng đồng DN, các hiệp hội, các DN tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Thủ tướng yêu cầu:

Thứ nhất, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,  đảm bảo ổn định chính trị - xã hội. Thứ hai, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định ngày càng vững chắc. Để cộng đồng DN yên tâm hơn, thuận lợi hơn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh. Thứ ba, phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế, năm 2014 cố gắng đạt 5,8% (cao hơn năm 2013) và năm 2015 trên 6%. Thứ tư, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tự do kinh doanh bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tức là quyền dân chủ của người dân. DN được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm theo đúng Hiến pháp. Bên cạnh đó là thực hiện quyền bình đẳng, minh bạch trong kinh doanh. Sắp tới các quy định sẽ được thể hiện trong Luật Đầu tư, Luật DN sửa đổi, Luật Ngân sách, Luật Phá sản…
Chính phủ sẽ làm hết sức mình,  tạo mọi thuận lợi, để cộng DNVN với vai trò là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh để phát triển  thành công, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

Để làm tốt điều này, chính phủ sẽ tăng cường tham vấn các hiệp hội, các DN để những luật này đúng theo tinh thần của kinh tế thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển. Thứ năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục, tránh tình trạng gây khó khăn cản trở DN. Trong đó đáng chú ý là thủ tục đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, thanh tra, thủ tục về đất đai... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quan tâm tới phẩm chất đạo đức phục vụ của cán bộ công chức đối với nhân dân, đối với DN. Bởi đôi khi không phải do thủ tục mà do phẩm chất đạo đức của công chức, thêm dấu chấm dấu phẩy để gây phiền hà.

Thủ tướng cũng cam kết tạo mọi điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn đối với DN. Đồng thời quan tâm chăm lo phát triển thị trường vốn thông qua các ngân hàng và  thị trường chứng khoán. “Các DN không chỉ tiếp cận vốn từ các ngân hàng mà thông qua thị trường chứng khoán có thể huy động được nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ mục tiêu phát triển.”- Thủ tướng chia sẻ.

Đối với vấn đề tái cấu trúc DN, Thủ tướng cho biết:  Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ DN vươn lên tái cơ cấu DN, tổ chức lại sản xuất kinh doanh của DN, nâng cao năng suất lao động, giảm chí phí và hoạt động hiệu quả hơn như đẩy mạnh ứng dụng  khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, tăng cường năng lực quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhằm hỗ trợ DN bảo vệ và mở rộng thị trường, Thủ tướng nhìn nhận: Sức mua tăng nước tăng lên cũng là điều kiện để các DN phát triển. Cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN cũng là điều kiện để các DN khai thác tốt thị trường trong nước. Chính phủ cũng sẽ có những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế. Nhưng không ai khác là DN phải tự vươn lên bằng chất lượng, giá cả. Chính phủ sẽ tập trung, đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả. Bên cạnh đó DN cũng phải chú trọng xây dựng văn hóa  DN, tuân thủ pháp luật. Ngoài thị trường trong nước, chính phủ sẽ nỗ lực mở thị  trường ngoài nước, rất mong các hiệp hội, các DN đóng góp ý kiến cho việc mở thị trường ngoài nước. Chính phủ cố gắng đàm phán các hiệp định thương mại để mở cửa thị trường. Chúng ta đang đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do...
  
tác giả Nguồn dddn.com.vn 

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và Hội Doanh nhân người Việt Nam (ASSOEVI) tại Italia, ngày 17/09/2012.
Hình ảnh nổi bật